Công ty Luật TNHH Everest tư vấn về bồi thường chi phí khi người lao động bị tai nạn lao động.
Hỏi: Em trai tôi làm việc tại công ty TNHH Hòa Bình, khu công nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội. Làm việc được hơn 2 năm bị tai nạn lao động vào ngày 27/2/2014, bị cụt chín ngón tay, nhưng không đóng bảo hiểm xã hội. Khi xảy ra tai nạn lao động công ty cũng có trách nhiệm đưa em trai tôi đi cấp cứu tại bệnh viện Việt - Đức và điều trị tại Đại Học Y Hà Nội. Trách nhiệm của Công ty cũng chi trả toàn bộ viện phí cho gia đình tôi. Tôi muốn được biết khoản bồi thường công ty phải chi trả cho gia đình tôi là bao nhiêu? (Hoàng Văn Lực - Hà Nội)
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì em trai bạn làm việc được hơn 2 năm bị tai nạn lao động vào ngày 27/2/2014, bị cụt chín ngón tay. Để xác định được đây có phải tai nạn lao động hay không thì cần xem xét nhiều yếu tố. Tai nạn lao động được định nghĩa tại điểm 2.1 của Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế. Cụ thể:
"Điều 3. Tai nạn lao động:1.Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, bao gồm:a) Tai nạn lao động xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;b) Tai nạn lao động xảy ra trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;c) Tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở cho phép (nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, cho con bú, tắm rửa, đi vệ sinh).2. Những trường hợp tai nạn được coi là tai nạn lao động xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý, bao gồm:a) Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở;b) Tai nạn xảy ra cho người lao động Việt Nam trong khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao động giao (tham dự hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế).".
Nếu xác định em bạn bị tai nạn lao động thì trách nhiệm của công ty sẽ thực hiện theo Điều 144, Điều 145 Bộ luật lao động 2012, cụ thể là :
"Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.".
"Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.".
Trường hợp này, công ty đưa em trai bạn đi cấp cứu tại bệnh viện Việt - Đức và điều trị tại Đại Học Y Hà Nội, chi trả toàn bộ viện phí cho gia đình bạn đã thể hiện được trách nhiệm của công ty đối với người lao động. Song, trách nhiệm này vẫn chưa đầy đủ. Cụ thể công ty còn phải thực hiện các trách nhiệm sau :
- Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động trong thời gian em bạn phải điều trị.
- Nếu tai nạn lao động không do lỗi của em bạn thì công ty phải tiến hành bồi thường với mức "Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.". Để biết được mức độ suy giảm khả năng lao động thì em bạn cần tiến hành giám định thương tật. Bạn có thể tham khảo tại mục 4, bảng 8- Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do hệ thống Cơ - xương - khớp trong Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số: 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
- Nếu tai nạn lao động do lỗi của em bạn thì em bạn được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định trong trường hợp em bạn không có lỗi trong việc xảy ra tai nạn lao động.
- Theo điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc: “Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt nam, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên…”. Việc em bạn làm hơn 2 năm mà không được đóng bảo hiểm xã hội tức là công ty đã vi phạm trách nhiệm đóng bảo hiểm cho em bạn. Ngoài thực hiện nghĩa vụ với cơ quan bảo hiểm xã hội, thì theo quy định tại điều 145, khoản 2, Bộ luật lao động 2012 thì "2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.", tức là trường hợp này em bạn được trả thêm khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2006. Tức là theo quy định tại điều 42, 43 Bộ luật lao động 2012:
"Điều 42. Trợ cấp một lần:1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung;b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị".
"Điều 43. Trợ cấp hằng tháng:1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung;b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.".
Nếu công ty không thực hiện những quy định như chúng tôi nêu trên tức là công ty đã vi phạm pháp luật. Do đó, theo quy định tại điều 200, điều 201 Bộ luật lao động 2012 thì em bạn có quyền yêu cầu Hòa giải viên lao động giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận