Hiện nay, pháp luật lao động ngày càng có nhiều quy định để bảo vệ người lao động nữ, nhất là lao động nữ mang thai.
Hỏi: Tôi mang thai được 07 tháng và có dấu hiệu mệt mỏi nên bác sĩ khuyên tôi nên nghỉ ngơi để giữ sức khỏe. Công việc của tôi khá nặng nhọc, thường xuyên phải làm thêm giờ nên tôi đã xin với ban giám đốc để được chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn, nhưng không được cho phép. Nhờ luật sư tư vấn cho tôi việc không cho phép tôi chuyển công tác có đúng quy định của pháp luật hay không? (Nguyễn Chi – Hà Nội)
Luật gia Phạm Hải Anh - Tổ tư vấn pháp luật Lao động của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ thì:
“Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Khoản 2 Điều này cũng quy định: “Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương”.
Như vậy, trong trường hợp chị mang thai từ tháng thứ 07 thì công ty chị không được phép sử dụng chị làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ hay đi công tác.
Ngoài ra, công ty chị có thể không chuyển chị sang công việc khác nhẹ nhàng hơn nhưng phải giảm bớt thời gian làm việc hàng ngày của chị là 01 giờ làm việc mà vẫn hưởng đủ lương.
Vậy, công ty chị không được sử dụng chị làm thêm giờ nữa và phải chuyển cho chị làm công việc nhẹ nhàng hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày cho chị mà vẫn được hưởng đủ lương.
Ngoài ra, chị có quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng theo quy định của Điều 156 Bộ luật Lao động 2012: “Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định”.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận