Hành vi làm hồ sơ giả hồ sơ đất đai để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng là một hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nội dung yêu cầu của khách hàng tóm tắt như: Tôi có biết một số cán bộ địa chính xã và cán bộ địa chính huyện nơi tôi sinh sống, đã làm giả hồ sơ đất đai để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng của nhà nước. Vậy cho tôi hỏi, hành vi trên sẽ bị xử lý thế nào?
Thứ nhất, quy định về việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:
Luật Đất đai năm 2013 quy định:
"1- Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây: (a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; (b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; (c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.
2- Chính phủ quy định chi tiết Điều này" (Điều 207).
Như vậy, hành vi làm giả hồ sơ đất đai của cán bộ địa chính xã và cán bộ địa chính huyện để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, hành vi làm giả hồ sơ đất đai để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng có thể bị xử lý hình sự.
Làm giả hồ sơ đất đai để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng tùy từng tính chất, mức độ, hành vi cụ thể có thể bị xử lý hình sự về các tội như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức...
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015), thay thế Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (Bộ luật Hình sự năm 1999), có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, gọi tắt là BLHS 2015, quy định như sau:
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356):
"1- Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: (a) Có tổ chức; (b) Phạm tội 02 lần trở lên; (c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3- Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng".
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174):
"1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: (a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (d) Tái phạm nguy hiểm; (đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; (e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
- Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341):
"1- Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: (a) Có tổ chức; (b) Phạm tội 02 lần trở lên; (c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; (d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; (đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; (e) Tái phạm nguy hiểm.
3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: (a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; (b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; (c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Hành vi làm giả hồ sơ đất đai để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bàng của cán bộ địa chính xã và cán bộ địa chính huyện. Trong trường hợp này, sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, một số ví dụ cụ thể và chế tài đối với hành vi làm giả hồ sơ đất đai để nhận tiền đến bù giải phóng mặt bằng.
Năm 2016, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt tù đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ xã, cán bộ huyện ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) về các tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và nhận hối lộ.
Trong đó, Đỗ Văn Dũng (sinh năm 1968, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất) bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt chung đối với Đỗ Văn Dũng là 14 năm tù giam. Cũng với 2 tội danh này, Nguyễn Thành Huyên (sinh năm 1981, nguyên là cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất) bị tuyên phạt tổng cộng 15 năm tù.
Với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Phùng Hòa Bình (sinh năm 1975, nguyên Trưởng thôn 7), Nguyễn Đức Tâm (sinh năm 1970, nguyên cán bộ địa chính xã Hạ Bằng), Nguyễn Xuân Tuyết (sinh năm 1954, nguyên Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng), Vương Thị Hoa (sinh năm 1982, nguyên cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất), Nguyễn Văn Xuyến (sinh năm 1965, nguyên Phó chủ tịch HĐND xã Hạ Bằng) và Nguyễn Văn Lý (sinh năm 1967, trú tại thôn 6, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) lần lượt bị tuyên phạt các mức án từ 03 năm tù đến 07 năm tù giam.
Theo cáo trạng, năm 2007, thực hiện giải phóng mặt bằng trong Dự án khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các bị cáo trong vụ án đã lập khống, giả mạo hồ sơ về diện tích đất nông nghiệp tại địa phương bị thu hồi để trục lợi cá nhân và gây thất thoát hơn 03 tỷ đồng ngân sách.
Cụ thể, các bị cáo trên được UBND huyện Thạch Thất phân công vào tổ kiểm đếm tài sản số 4, tại xã Hạ Bằng. Tổ kiểm đếm tài sản này do Đỗ Văn Dũng (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng) làm tổ trưởng, còn Nguyễn Thành Huyên (nguyên cán bộ Ban giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất) làm tổ phó.
Ngày 13/6/2007, khi kiểm đếm tài sản đối với thửa đất số 9, tờ bản đồ số 12 tại địa phương, Phùng Hòa Bình nhận thấy thực tế phần diện tích này chỉ là 1 cái ao, xung quanh có khoảng 20 cây keo và đang bị một người dân tạm chiếm, dựng lều nuôi vịt. Về chủ sử dụng thửa đất thực sự, Phùng Hòa Bình biết rõ thửa đất số 9 thuộc quyền quản lý của UBND xã Hạ Bằng.
Mặc dù vậy, Phùng Hòa Bình vẫn đề nghị và được Nguyễn Thành Huyên chấp thuận cho “phù phép” để biến đất công thành tài sản riêng thông qua việc lập hồ sơ giả thể hiện thửa đất số 9 đã được giao cho 3 hộ dân ở địa phương sử dụng và đều có nhiều cây cối, công trình kiến trúc trên đất. Qua đó, Phùng Hòa Bình đã rút được gần 134.000.000 đồng (một trăm ba mươi bốn triệu đồng) ngân sách.
Với cùng hành vi tương tự, nhóm bị cáo trên đã “phù phép” biến đất công thành của dân đối với nhiều trường hợp khác, lập khống hồ sơ đất đai để chiếm đoạt hơn 03 tỷ đồng tiền ngân sách.
Cũng trong quá trình kiểm đếm đất đai, hoa màu để áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng, Đỗ Văn Dũng phát hiện anh Vũ Anh Tuấn (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) mua thửa đất hơn 8.000m2 của một số hộ dân tại xã Hạ Bằng. Tuy nhiên, các bên lại không thể “sang tên đổi chủ” do pháp luật không cho phép. Từ đó, Đỗ Văn Dũng gợi ý để anh Tuấn phải hối lộ 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) thì mới nhận được tiền đền bù. Trên thực tế, Đỗ Văn Dũng và Nguyễn Thành Huyên đã nhận trước 50 triệu đồng của anh Tuấn.
Hội đồng xét xử nhận định, mặc dù hầu hết các bị cáo đều không thành khẩn nhận tội như nội dung bản cáo trạng, song vẫn có đủ cơ sở để kết luận Đỗ Văn Dũng cùng 07 đồng phạm đã phạm vào 02 tội danh như Viện kiểm sát đã truy tố. Các bị cáo đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng cộng hơn 03 tỷ đồng.
Đối với hành vi nhận hối lộ, bị cáo Đỗ Văn Dũng cho rằng, khoản tiền 50 triệu đồng nhận của anh Vũ Anh Tuấn là tiền vay mượn. Song dựa trên những lời khai liên quan cùng các chứng cứ, tài liệu khác đều chứng minh đó là tiền nhận hối lộ để được làm giả hồ sơ đất đai với mục đích nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, nên Đỗ Văn Dũng và Nguyễn Thành Huyên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn pháp luật trực tuyến
của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên
hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn
pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected], [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật
TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi
viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin
trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này
có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận