Tình trạng giả mạo, khai man hồ sơ để hưởng chế độ người có công với cách mạng, chế độ thương binh, ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc, ảnh hưởng xấu trong dư luận. Các sai phạm này, tùy mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc hình sự.
Trường hợp cụ thể của bác tôi như sau: Trước đây do nghe người khác xúi giục, bác tôi đã mua giấy tờ giả để làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh. Tuy nhiên, gần đây có người tố cáo hành vi của bác tôi, hiện nay các cơ quan chức năng đang xác minh, điều tra sự việc. Gia đình chúng tôi rất lo lắng, không rõ bác tôi sẽ bị xử lý như thế nào? (Nguyễn Sa - Nghệ An).
Công ty Luật TNHH Everest xin đưa ra một số ý kiến pháp lý liên quan tới câu hỏi của anh (chị), như sau:
Thứ nhất, quy định chung về việc xử lý đối với người vi phạm pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng.
Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 04 năm 2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định xử lý đối với đối với người vi phạm pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng,như sau:
"1. Người nào có một trong các hành vi vi phạm sau đây tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự: a) Giả mạo hoặc khai man giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công; b) Giả mạo hoặc khai man giấy tờ để hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công; c) Giả mạo hoặc chứng nhận sai sự thật để người khác hưởng chế độ ưu đãi người có công;Người vi phạm tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này bị đình chỉ các chế độ ưu đãi đã hưởng do giả mạo hoặc khai man giấy tờ, buộc hoàn trả các chế độ ưu đãi đã hưởng sai.
2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của người có công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật" (Điều 66).
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thay thế Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, gọi tắt là BLHS, quy định như sau:
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174):
"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
- Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341):
"1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.
Như vậy, trường hợp người trực tiếp hoặc hỗ trợ để người khác thực hiện hành vi gian lận để hưởng chính sách có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS) với mức phạt cao nhất là tù chung thân; hoặc Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với mức phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.
Người vi phạm sẽ buộc hoàn trả số tiền ưu đãi đã được hưởng, bổi thường thiệt hại, bị phạt tiền. Trường hợp hành vi vi phạm có liên quan chưa tới mức xử lý hình sự, người vi phạm vẫn bị xử lý vi phạm hành chính, kỷ luật áp dụng đối với cán bộ công chức vi phạm.
Thứ ba, ví dụ xử lý hành vi sử dụng giấy tờ, làm giả hồ sơ thương để hưởng chế độ của nhà nước.
Năm 2014, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 43 bị cáo cư trú tại tại các tỉnh Đắk Lắk (29 bị cáo), Đắk Nông (05 bị cáo), Gia Lai (02 bị cáo), Đồng Nai (03 bị cáo), Bình Phước (01 bị cáo), Ninh Thuận (01 bị cáo) và Nam Định (02 bị cáo). Tổng số tiền các bị can đã chiếm đoạt từ ngân sách là 1.925 tỷ đồng. Bốn bị can Vinh, Ngọc, Chính và Hồng đã hưởng lợi từ việc làm hồ sơ thương, bệnh binh giả cho các đối tượng với số tiền là 581 triệu đồng.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt đối với 20 bị cáo tổng cộng 61 năm 09 tháng tù. Trong đó các bị cáo bị xử phạt mức cao nhất là Phạm Xuân Ngọc 11 năm, Trần Văn Chính 09 năm 06 tháng, Hoàng Thế Vinh 07 năm, Trần Thị Hồng 04 năm và Phạm Anh Thuấn 03 năm; Các bị cáo còn lại bị xử phạt từ 08 tháng đến 02 năm 06 tháng tù.
Hồ sơ vụ án: Từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2012, Loan, Vinh, Ngọc cùng Trần Văn Chính và Trần Thị Hồng đã liên hệ với Phạm Xuân Ngọc giao dịch với nhau để làm giả 44 bộ hồ sơ thương, bệnh binh đăng ký nhận chế độ tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Ninh Thuận và Gia Lai.
Những đối tượng: Lương Văn Bàng, SN 1955, trú tại thôn 1, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột; Nguyễn Kim Sơn, SN 1968, trú tại xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin và Hoàng Văn Hà, SN 1957, trú tại xã EaTiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đác Lắc.
Xác minh của Sư đoàn 341, Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, khẳng định: Bàng sử dụng giấy tờ làm hồ sơ thương để hưởng chế độ của nhà nước là không đúng và lời khai của Bàng thừa nhận trong quá trình tham gia quân đội không đúng với các thông tin thể hiện trong Giấy chứng nhận bị thương số 112/GCN, ngày 16/12/1976 của Trung đoàn 270, Sư 341, Quân đoàn 4; Quyết định xuất ngũ số 076/QĐ, ngày 21/05/1977 của Trung đoàn 270, Quân đoàn 4, Bộ Quốc phòng là các giấy tờ giả.
Lương Văn Bàng:mua số giấy tờ trên của một đối tượng tên Long ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đác Lắc (không rõ địa chỉ cụ thể) với giá 05 triệu đồng để làm hồ sơ thương binh giả hưởng chế độ nhà nước. Từ tháng 05/013 đến tháng 02/2015, Bàng đã hưởng chế độ thương binh của nhà nước cấp tổng cộng số tiền là 30.650.000 đồng và đã nộp trả lại số tiền trên cho nhà nước.
Hoàng Văn Hà: sử dụng giấy tờ làm hồ sơ thương để hưởng chế độ của nhà nước là không đúng và lời khai của Hà thừa nhận trong quá trình tham gia quân đội không đúng với các thông tin thể hiện trong Giấy chứng nhận bị thương số 126/GCN, ngày 16/12/1979 của Trung đoàn 40, Quân khu 4; Quyết định phục viên số 121, ngày 30-5-1981 của Quân đoàn 3 là các giấy tờ giả.Hà mua của một đối tượng tên Thành ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đác Lắc (không rõ địa chỉ cụ thể) với giá 03 triệu đồng để làm hồ sơ thương binh giả hưởng chế độ nhà nước. Từ tháng 03/2013 đến tháng 02/2015, Hà đã hưởng chế độ thương binh của nhà nước cấp tổng cộng số tiền là 43.188.000 đồng và đã nộp trả lại số tiền trên cho nhà nước.
Nguyễn Kim Sơn: sử dụng giấy tờ làm hồ sơ thương binh để hưởng chế độ của nhà nước là không đúng và lời khai của Sơn cũng thừa nhận trong quá trình tham gia quân đội không bị thương, Sơn đã dùng Giấy chứng nhận bị thương số 4121/CNBT, ngày 12/06/1987 của Trung đoàn 10, Quyết định phục viên số 986, ngày 20/06/1989 của Viện Quân y là các giấy tờ giả. Sơn mua của một đối tượng tên Lộc nhà ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (không rõ địa chỉ cụ thể) với giá 2,5 triệu đồng để làm hồ sơ thương binh giả hưởng chế độ nhà nước.Từ tháng 05/2013 đến tháng 12/2014, tổng cộng số tiền được hưởng là 21.162.000 đồng và Sơn đã nộp trả lại số tiền trên cho nhà nước.
Luật sư Đào Trung Kiên - Trưởng phòng tranh tụng - Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật an sinh xã hội mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận