Khi nào bị coi là phạm tội cưỡng đoạt tài sản?

Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Hỏi: Cho tôi hỏi, như thế nào là tội cưỡng đoạt tài sản? Hình phạt của tội này như thế nào? (N.D.P- Thanh Hóa)

c
>>>Luật sư tưvấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lê Thị Hoàng - Công ty LuậtTNHH Everest - trả lời:

Khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:“Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”

Hành vi cưỡng đoạt tài sản xâm hại đến quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu được luật hình sự bảo vệ, được thể hiện dưới hai dạng hành vi:

- Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực: là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe nếu không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội,. Hành vi này không có đặc điểm ngay tức khắc, giữa hành vi đe dọa và việc dùng vũ lực có khoảng cách về thời gian. Sự đe dọa ở hành vi cưỡng đoạt tài sản chưa đến mức có thể làm tê liệt ý chí chống cự của người bị đe dọa mà chi có khả năng khống chế ý chí của họ. Người bị đe dọa còn có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động.

- Hành vi uy hiếp tinh thần: là hành vi dọa gây thiệt hại về tài sản, danh sự, uy tín bằng bất cứ thủ đoạn nào nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có lỗi cố ý trực tiếp, nghĩa là người phạm tội biết mình có hành vi uy hiếp tinh thần người khác bằng thủ đoạn đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc bằng thủ đoạn khác. Qua hành vi của mình người phạm tội muốn khống chế ý chí chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm đối với tài sản để có thể chiếm đoạt được tài sản đó. Mục đích của hành vi phải là chiếm đoạt tài sản thì mới cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Ngoài ra, pháp luật còn quy định ba khung hình phạt tăng nặng sau:

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2016) quy định về tội cưỡng đoạt tài sản, như sau:

“1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” (Điều 170).

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.