Luật sư tư vấn về việc kiện đòi quyền thừa kế khi bản án đã có hiệu lực...
Hỏi:năm 1994 mẹ của tôi có làm di chúc chia thừa kế cho 4 người con. có mặt đầy đủ con cái và còn có sự làm chứng của 5 người trong gia tộc. Bản di chúc có đầy đủ chữ ký của từng người tham gia hôm đó và có dấu xác nhận của UBND thị trấn lúc bấy giờ. Đầu năm 2008, em gái út của tôi kiện tôi ra toàn với nội dung đòi chia lại thừa kế. 2 ngày sau khi tòa tuyên bản án sơ thẩm. tôi có làm đơn phúc thẩm gửi lên tòa án thành phố Hà Nội với nội dung kháng cáo lại bản án của tòa án sơ thẩm. Tòa phúc thẩm đã ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu các thành viên thực hiện theo bản di chúc. Từ năm 2008 đến nay, do nể tình anh em, tôi vẫn cho cô út sử dụng khoảng đất mà tòa quyết định mà theo em gái tôi là vẫn đang tranh chấp. Tôi đã nhận lại toàn bộ số tiền thi hành án, em gái tôi không nhận số tiền đó nên đã bị sung công quỹ, nhưng đến nay tôi chưa nhận được quyết định thi hành án của đội thi hành án địa phương. Nay tôi có nhu cầu muốn lấy lại phần đất đó để xây dựng, UBND phường đã cấp quyết định cấp phép xây dựng cho tôi trên khoảng đất nói trên. Tôi có nhiều lần yêu cầu em gái trả lại toàn bộ diện tích khoảng đất đó lại để tôi xây dựng nhưng cô không thực hiện. Nay tôi muốn thi hành án bản án phúc thẩm có được không? (Nguyễn Hiếu - Hà Nội)
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Căn cứ Điều 30 Luật Thi hành án dân sự như sau:
"Điều 30. Thời hiệu yêu cầu thi hành án:1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án".
Như vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; hoặc kể từ ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ đã được ấn định trong bản án, quyết định; hoặc tính theo từng kỳ kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Trong trường hợp của bạn, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực từ năm 2008. Căn cứ vào quy định tại Điều 30 đã trích ở trên thì đến nay đã hết thời hiệu yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, vậy nên bạn có thể giải quyết bằng cách thỏa thuận thi hành án, căn cứ vào Điều 6 Luật Thi hành án dân sự như sau:
"Điều 6. Thỏa thuận thi hành án: 1. Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận.Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án.2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định".
Trường hợp không thỏa thuận được, bạn có thể nhờ chính quyền địa phương can thiệp.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận