-->

Không giao kết hợp đồng lao động, xử phạt như thế nào?

Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Hỏi: Tôi vào làm việc kỹ sư cho một công ty xây dựng từ tháng 09 năm 2015. Lúc đầu, công ty nói rằng sẽ thử việc 02 tháng sau đó sẽ ký HĐLĐ. Nhưng tới bây giờ tôi vẫn không được ký HĐLĐ Mặc dù tôi đã rất nhiều lần lên yêu cầu được ký HĐLĐ Nhưng lần nào Công ty cũng khất lần khất lượt với rất nhiều lý do. Gần đây công ty đã cho một số kỹ sư nghỉ việc do công trình đã gần xong, và trong thời gian tới sẽ tiếp tục cho nghỉ mà không hề có bất cứ QĐ gi. Vì không có HĐLĐ giống như tôi lên tất cả các Kỹ sư đó đều không được công ty hỗ trợ, và cũng không biết phải làm gì. Điều này làm tôi rất hoang mang lo lắng. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? (Nguyễn Văn Duẩn - Hưng Yên)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Minh Anh - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng như sau: “1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động. 2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người. Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động”.

Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về kết thúc thời gian thử việc như sau: “1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. 2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận”.

Như vậy, giao kết hợp đồng là hành vi bắt buộc phải thực hiện và đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Thực tế, có nhiều người sử dụng lao động thường trốn tránh không giao kết hợp đồng lao động với người lao động nhằm trốn tránh những trách nhiệm về đóng bảo hiểm và những quyền lợi khác của người lao động. việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của người lao động.

Căn cứ theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên ba tháng sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức sau đây: “a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; b) Từ 2,000,000 đồng đến 5,000,000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; c) Từ 5,000,000 đồng đến 10,000,000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; d) Từ 10,000,000 đồng đến 15,000,000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; đ) Từ 15,000,000 đồng đến 20,000,000 đồng đơi với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

Để bảo vệ quyền, lợi của mình, anh (chị) có thể khiếu nại hành vi này của người sử dụng lao động lên Công đoàn cấp cơ sở. Nếu không giải quyết được thì anh (chị) khiếu nại lên Thanh tra lao động.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.