Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Hỏi:Bố mẹ tôi có một số tài sản chung gồm: 342m2 đất và căn nhà trên đất. Năm 1982 mẹ tôi mất. Đến năm 1984 bố tôi có lấy vợ hai (không có hôn thú) và mua cho bà một căn nhà trên thửa đất 114m2 khác (bố tôi đứng tên). Năm 2001 bố tôi mất vì tai nạn giao thông, không có di chúc để lại; sau đó nhà tôi họp gia đình và xác định quyền sở hữu tài sản: Thửa đất 342m2 và căn nhà trên đất của bố mẹ tôi do em trai tôi sở hữu, thửa đất 114m2 và căn nhà trên đất mới mua sau khi bà hai về do bà hai sở hữu, mọi thành viên trong gia đình đều nhất trí như vậy. Năm 2003 địa phương tôi mới bắt đầu cấp sổ đỏ xác lập quyền sử dụng đất, lúc đó hai anh em tôi đã đi bộ đội, hai thửa đất và căn nhà trên đất, chính quyền địa phương cấp sổ đỏ lấy tên bà hai. Nay em tôi đã xây dựng gia đình và muốn nhận lại tài sản của bố mẹ tôi để lại, nhưng bà hai không trả.Vậy xin Luật sư hãy tư vấn cho tôi:Chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cả 456m2 và hai căn nhà trên đất cho bà hai là sai hay đúng? Vàchúng tôi có quyền yêu cầu cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo luật thừa kế không? (Nguyễn Điểu - Quảng Bình)
Thứ nhất, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 456m2 đất và hai căn nhà trên cho bà hai là đúng hay sai?
Căn cứ vào Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 quy định về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình thì đối với nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 thì được coi như vợ chồng. Trong trường hợp của bạn mặc dù bà hai và bố bạn không có giấy đăng ký kết hôn nhưng theo quy định của pháp luật vẫn được coi như vợ chồng hợp pháp.
Sau khi bố bạn mất, vì cả gia đình đã họp và thống nhất về việc chia di sản thừa kế thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 456m2 và hai căn nhà trên cho bà hai là không có căn cứ. Tuy nhiên trong trường hợp này, cần có chứng cứ chứng minh việc gia đình đã họp bàn chia di sản thừa kế do bố bạn để lại.
Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh việc gia đình đã họp bàn chia di sản thừa kế, thì di sản thừa kế có thể được chia theo quy định của pháp luật. Theo đó, căn nhà và mảnh đất 114m2 là tài sản chung của bố và bà hai, nên một nửa số mảnh đất đó thuộc sở hữu của bà hai. Một nửa còn lại của mảnh đất 114m2 và mảnh đất 342m2 sẽ chia đều cho những người nằm trong hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm vợ và các con.
Thứ hai, có hay không quyền yêu cầu chính quyền địa phương hủy quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà hai?
Căn cứ theo Điều 204 Luật đất đai năm 2013 quy định về giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai thì:
“1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.”
Như vậy bạn có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính về quản lí đất đai để bao vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến thời hiệu khiếu nại, khởi kiện. Đối với thời hiệu khiếu nại, quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại sửa đổi bổ sung năm 2013 về thời hiệu khiếu nại thì:
“Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.”
Đối với quyết định hành chính từ năm 2003, đến bây giờ thì bạn cần phải có căn cứ chứng minh được trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khiếu nại, hoặc bạn cũng có thể căn cứ vào thời điểm nhận được quyết định hành chính để tính vào thời hiệu khiếu nại. Tương tự như vậy về thời hiệu khởi kiện đối với vụ án hành chính được quy định tại Điều 104 Luật tố tụng hành năm 2010 về thời hiệu khởi kiện
“1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau: a) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; b) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
3. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.”
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận