Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Hỏi: Ông bà nội cháu đẻ được 08 người con, 06 người con gái và 02 người con trai là bố tôi (thứ tư, sinh năm 1957) và bác thứ ba. Bà nội mất năm 1972. Bác thứ ba mất cũng đã lâu. Bố của tôi phải làm lụng vất vả để phụ giúp kinh tế cho ông nội và chăm sóc cho các cô còn nhỏ. Năm 1972, bố tôi cùng ông nội có mua lại một mảnh đất ao của ông X (hàng xóm) với diện tích 456m2 để nuôi thả cá. Tại thời điểm mua bán, hai bên không có giấy tờ chuyển nhượng mà chỉ giao kèo bằng miệng. Bố tôi nuôi cá giống trên mảnh đất đó để phụ giúp ông về kinh tế và chăm lo cho các em. Sau đó, bố tôi đi bộ đội. Sau 04 năm, bố trở về quê để chăm lo cho ông nội và các cô. Sau đó bố lấy mẹ và vẫn ở cùng ông nội và các cô của cháu trên mảnh đất 102 m2 là tài sản của ông bà.
Khoảng năm 1993, cô thứ tám nhà cháu (là cô út) đi lấy chồng. Bố mẹ phải lo toàn bộ chi phí cưới hỏi cho cô ấy. Từ đó đến năm 2001, ông nội vẫn sống cùng bố mẹ. Năm 2001, ông nội mất, bố mẹ cháu đứng ra lo ma chay, giỗ chạp cho cả ông nội và bà nội. Năm 2008, bố được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các mảnh đất 102m2 và 456m2 do sử dụng ổn định, lâu dài và nộp thuế đầy đủ (bố vẫn giữ được biên lai nộp thuế đứng tên bố cháu từ năm 1972).
Năm 2010, bố có bán mảnh đất 102 m2 cho bà M, đã được sự đồng ý của các cô, các bác (có họp xin ý kiến, nhưng không có giấy tờ. Đến giữa năm 2010, các bác, các cô đã khởi kiện bố đòi quyền chia mảnh đất 456m2. Khi biết chuyện ông X đã bán mảnh đất cho ông và bố cháu đã ký vào giấy xác nhận việc bán mảnh đất 456 m2 (tiền để mua mảnh đất là tiền do bố tiết kiệm được) và đã có giấy tờ có xác nhận của chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, nhưng các cô, các bác không đồng ý, nhất định đòi chia mảnh đất 102m2 và 456m2 theo luật thừa kế.
Bác gái cả đã đi lấy chồng hơn 40 năm, cô út cũng đã lấy chồng hơn 20 năm và trong suốt quá trình không có trách nhiệm hay đóng góp gì cho những mảnh đất trên, cũng không chăm sóc, nuôi dưỡng ông nội cháu được ngày nào.
Đề nghị Luật sư tư vấn, việc đòi chia thừa kế như vậy là đúng hay sai? (Đặng Văn Triều - Hải Phòng)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định như sau:
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế" (Điều 645).
Hết thời hạn này, người được thừa kế không có quyền khởi kiện nữa (Theo Khoản 1, Điều 159,Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng Dân sự 2011). Song, thời gian 10 năm này không phải lúc nào cũng được tính liên tục.Tại Điều 161, Bộ luật dân sự 2005, quy định các khoản thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, tức là khoảng thời gian xảy ra các sự kiện sau đây:
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự: "Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây: 1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình; 2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; 3. Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết".
Vậy, để xác định được thời hiệu, trước hết phải biết được khi nào là thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế ở đây chính là thời điểm mà người để lại di sản qua đời, hoặc ngày mà Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố người để lại di sản đã chết (Theo Khoản 1, Điều 633, Bộ luật dân sự 2005). Như vậy, chỉ được khởi kiện về thừa kế từ ngày mở thừa kế, bởi vì pháp luật chỉ công nhận quan hệ thừa kế bắt đầu từ lúc này. Bên cạnh đó, cần lưu ý một điều là khi yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề liên quan đến thừa kế, cần phải xuất trình các giấy tờ chứng minh rằng người có tài sản này đã chết, như giấy chứng tử, quyết định của Toà án tuyên bố một người là đã chết..." (Điều 161).
Như đã nói ở trên, quyền khởi kiện về tranh chấp di sản thừa kế chỉ tồn tại trong 10 năm, kể từ ngày mở thừa kế, nhưng không phải trong mọi trường hợp đều áp dụng quy định trên. Tại Mục 2.4, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có quy định về hai trường hợp không tính thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, đó là:
Trường hợp có tài sản chung, tức là trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà những người được thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế; Hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Nếu có tranh chấp, hoặc có yêu cầu về việc chia thừa kế, Tòa án sẽ giải quyết như sau:
Nếu người chết có để lại di chúc, mà các đồng thừa kế không có tranh chấp gì về bản di chúc này, đồng thời cùng thoả thuận với nhau về việc tài sản sẽ được chia theo di chúc khi những người thừa kế có nhu cầu, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc, bất cứ lúc nào có yêu cầu từ phía người thừa kế.
Nếu không có di chúc, mà các đồng thừa kế tự thảo thuận với nhau về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ, bất cứ lúc nào có yêu cầu từ phía người thừa kế.
Nếu không có di chúc và cũng không có thoả thuận giữa những người thừa kế về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì khi một trong những người thừa kế có yêu cầu về việc chia khối tài sản chung đó, việc chia này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Trường hợp người chết có để lại di sản thừa kế, nhưng di sản đó không nằm trong sự quản lý của những người thừa kế, mà đang do một người khác chiếm hữu bất hợp pháp, hay đang thuê, mượn, quản lý tài sản theo ủy quyền của người để lại di sản..., mà không đồng ý trả lại khi có yêu cầu của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền khởi kiện đòi lại số tài sản đó. Bởi vì, thực tế sẽ có những người vì một số lý do khách quan, họ không thể biết được người chết có để lại tài sản hoặc vẫn còn tài sản chưa được chia, nên việc tính thời hiệu sẽ không áp dụng ở đây.
Việc xác định thời hiệu khởi kiện là rất quan trọng, bởi khi hết thời hiệu này, quyền khởi kiện của người thừa kế sẽ không còn tồn tại, điều đó đồng nghĩa với việc quyền và lợi ích hợp pháp của người thừa kế sẽ không còn được bảo vệ.
Đối với trường hợp của gia đình bạn việc khởi kiện chia tài sản thừa kế đã hết thời hiệu nên quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế không còn được luật bảo vệ nữa.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận