Khi bản quyền tác giả trở thành “quân át chủ bài”

Đến thời kỳ hiện đại, tài sản sở hữu trí tuệ thực sự có sức mạnh rất lớn. Nó có thể khiến thay đổi cuộc đời tác giá và đem lại lợi nhuận "khủng" cho chính tác giả hay chủ sở hữu của chúng.

Quyền tác giả hay tác quyền hoặc bản quyền là độc quyền của một tác giả cho tác phẩm của người này. Quyền tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa (cũng còn được gọi là tác phẩm) không bị vi phạm bản quyền. Quyền này bảo vệ các quyền lợi cá nhân và lợi ích kinh tế của tác giả trong mối liên quan với tác phẩm này.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Khi bản quyền tác giả trở thành “quân át chủ bài

Trong Thời kỳ Cổ đại và Thời kỳ Trung Cổ người ta chưa biết đến quyền cho một tác phẩm trí tuệ. Đến thời kỳ hiện đại, tài sản sở hữu trí tuệ thực sự có sức mạnh rất lớn. Nó có thể khiến thay đổi cuộc đời tác giá và đem lại lợi nhuận "khủng" cho chính tác giả hay chủ sở hữu của chúng.

“Harry Potter và Hòn đá phù thủy” khi xuất bản đã đem lại cho Rowling 2500 bảng Anh tiền bản quyền. Doanh thu lớn từ truyện, phim và các sản phẩm ăn theo giúp Rowling giàu lên nhanh chóng. Năm 2011, bà vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.

Vi phạm bản quyền âm nhạc từ lâu đã được xem là "căn bệnh mãn tính" trong showbiz. Ồn ào nhất là vụ vi phạm bản quyền âm nhạc với các MV: "Em của ngày hôm qua" - Sơn Tùng MTP; "Anh thì không" - Mỹ Tâm và "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" - Noo Phước Thịnh.

Năm 2017, Nhạc sĩ Zack Hemsey (Mỹ) đã có đơn kiện gửi tòa án nhân dân TP. HCM khởi kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh vì vi phạm bản quyền. Trong phân cảnh từ khoảng phút 6:05 đến 7:30 của MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi”, ca sĩ Noo Phước Thịnh đã cắt xén, sử dụng tác phẩm “The Way” đang được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan của nhạc sĩ Zack Hemsey để làm nhạc nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi của các diễn viên.

Nhạc sĩ Zack Hemsey khởi kiện yêu cầu ca sĩ Noo Phước Thịnh chấm dứt ngay và xóa vĩnh viễn MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” có sử dụng tác phẩm/ bản ghi âm The Way khỏi tất cả các phương tiện lưu trữ, các trang mạng và bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận; Bồi thường thiệt hại về vật chất 500 triệu đồng; Bồi thường thiệt hại tinh thần 50 triệu đồng; thanh toán chi phí thuê luật sư 300 triệu đồng; công khai xin lỗi nhạc sĩ Zack Hemsey trên báo điện tử VnExpress.net và trên ít nhất ½ trang giấy ba kỳ liên tiếp của Báo Tuổi trẻ về các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngày 16/11/2017, khán giả nghe nhạc bất ngờ phát hiện ra MV đạt 30 triệu lượt xem "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" của Noo Phước Thịnh đã "bốc hơi" khỏi YouTube vì lý do bản quyền. Khi truy cập vào đường link MV, khán giả nhận được dòng thông báo: "Video này không có sẵn do xác nhận sở hữu bản quyền bởi Epic Elite".

Vụ kiện này khiến giới âm nhạc xôn xao, dậy sóng và không ít người chột dạ. Đây như một lời cảnh báo tới các ca sĩ, nhạc sĩ về “luật chơi” mang tên sở hữu trí tuệ và tuân thủ thực thi quyền tác giả.

Quyền tác giả là gì?

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh tại thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ.

Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân trong quyền tác giả

Quyền nhân thân bảo vệ sự toàn vẹn về sáng tạo và danh tiếng của tác giả sáng tạo được thể hiện thông qua tác phẩm. Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

- Đặt tên cho tác phẩm.
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng. Khi tác phẩm của một tác giả được tái bản, xuất bản, truyền tải đến công chúng hoặc trưng bày công khai, người chịu trách nhiệm làm việc này phải bảo đảm tên của tác giả phải được nêu trong hoặc gắn liền với tác phẩm một cách hợp lý.
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Quyền này cấm việc thay đổi, sửa đổi hoặc thay thế nội dung tác phẩm theo chiều hướng gây phương hại đến danh dự hoặc uy tín của tác giả. Ví dụ, nhiếp ảnh gia có quyền ngăn cấm việc biến ảnh đen trắng thành ảnh màu.

Quyền nhân thân không thể chuyển giao cho người khác, bởi chúng liên quan đến cá nhân tác giả (tuy nhiên, quyền này có thể chuyển giao cho người thừa kế hợp pháp của tác giả). Thậm chí, nếu bán quyền tài sản đối với tác phẩm của mình cho người khác, thì bạn vẫn giữ được quyền nhân thân đối với tác phẩm đó.

Quyền tài sản trong quyền tác giả

Các quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của pháp luật.Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm (hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Quyền tài sản bảo vệ các lợi ích kinh tế của tác giả và cho phép tác giả thu lợi bằng cách khai thác trực tiếp hoặc gián tiếp tác phẩm. Quyền tài sản mang lại cho chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền cho phép hay ngăn cấm việc sử dụng tác phẩm. Phạm vi, giới hạn và các ngoại lệ của những quyền này được quy định khác nhau, tùy thuộc vào từng loại tác phẩm có liên quan, và khác nhau giữa các nước. Nhìn chung, quyền tài sản là các độc quyền đối với:

- Việc tái bản hay sao chép tác phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau.

- Phân phối tác phẩm cho công chúng. Quyền tác giả cho phép chủ sở hữu cấm người khác bán, cho thuê, chuyển giao, thuê những bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu. Tuy nhiên, ở nhiều nước, quyền phân phối tác phẩm bị giới hạn bởi cơ chế “bán lần đầu” hay còn gọi là “nguyên tắc khai thác hết quyền”, theo đó, khi bạn đã cho phép bán hoặc phân phối lần đầu đối với một bản sao hoặc bản ghi âm, bạn sẽ không còn quyền can thiệp vào cách thức phân phối sau đó của bản sao hoặc bản ghi âm đó trong lãnh thổ của (các) nước có liên quan. Nói cách khác, chủ sở hữu quyền tác giả có thể quản lý gần như mọi chi tiết của “lần bán hàng đầu tiên” của tác phẩm, kể cả thời gian, giá cả và các điều kiện bán hàng. Nhưng một khi đã bán đi rồi, người mua hàng có thể bán lại bản sao hoặc bản ghi âm có liên quan, cho thư viện mượn, hay cho đi, v.v.. Tuy nhiên, người mua hàng không thể nhân bản sản phẩm hay tạo ra tác phẩm phái sinh dựa trên tác phẩm gốc.

- Thuê hoặc cho thuê bản sao tác phẩm. Nhìn chung, quyền này chỉ được áp dụng đối với một số loại tác phẩm nhất định, như tác phẩm điện ảnh, tác phẩm âm nhạc, hay chương trình máy tính. Một số nước không thừa nhận quyền thuê hay cho thuê, mà thay vào đó, cấp cho chủ sở hữu quyền tác giả quyền được nhận tiền thù lao từ việc thuê hay cho thuê bản sao tác phẩm.

- Dịch hoặc phóng tác tác phẩm. Những tác phẩm đó được gọi là “tác phẩm phái sinh”. Ví dụ, dịch một tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh sang ngôn ngữ khác, chuyển thể một tiểu thuyết thành phim, viết lại một chương trình máy tính bằng một ngôn ngữ lập trình khác, phối khí, hoặc sản xuất đồ chơi dựa trên một nhân vật hoạt hình. Nếu có đủ tính nguyên gốc, chính tác phẩm phái sinh đó cũng sẽ được bảo hộ bởi các quyền tác giả riêng biệt.

- Truyền tải tác phẩm đến với công chúng. Việc này bao gồm việc truyền tải bằng các hình thức biểu diễn, kể lại, trưng bày, phát sóng hoặc truyền tải qua đài phát thành, cáp hữu tuyến, vệ tinh hoặc Internet. Ví dụ, “trưng bày” ảnh trên trang web hay phát sóng các chương trình trên truyền hình công cộng trong một quầy bán rượu.

- Biểu diễn, trình bày hay chơi một tác phẩm trước công chúng. Ví dụ, diễn kịch hoặc chơi nhạc, bật các tác phẩm âm nhạc, chiếu phim hay video cho công chúng, triển lãm tranh trong phòng trưng bày, giảng bài trước công chúng và đưa các chương trình phát thanh và truyền hình dành cho công chúng.

- Nhận một tỷ lệ phần trăm doanh số bán hàng nếu tác phẩm được bán lại. Đây được gọi là “quyền bán lại” hay "quyền hồi tố" và chỉ được áp dụng ở một số nước đối với một số loại hình tác phẩm nhất định (ví dụ, tranh, hình vẽ, bản in, tác phẩm điêu khắc, ảnh cắt dán, tác phẩm trạm khắc, thảm thêu, đồ gốm mỹ nghệ, đồ dùng thủy tinh, tác phẩm viết tay, v.v.). Quyền bán lại mang lại cho tác giả sáng tạo quyền được nhận một phần lợi nhuận thu được từ việc bán lại tác phẩm sau đó. Tỷ lệ này thường là từ 2% đến 5% tổng doanh số bán hàng.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật gia Bùi Thị Phượng - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Ý nghĩa của việc sở hữu quyền tác giả

Chủ sở hữu tác phẩm có quyền đăng ký tác phẩm thuộc sở hữu của mình tại cơ quan bản quyền tác giả của Nhà nước để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Việc đăng ký bản quyền tác giả cũng không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu tác giả sáng tạo đăng ký tác phẩm với Cục Bản quyền tác giả thì không có nghĩa vụ phải chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Quyền sở hữu quyền tác giả là một vấn đề khác. Chủ sở hữu quyền tác giả đối với một tác phẩm là người có quyền độc quyền khai thác tác phẩm, cụ thể là sử dụng, sao chép, bán và tạo ra các tác phẩm phái sinh.

Có nhiều cách để thương mại hóa và tạo thu nhập từ quyền tác giả, ví dụ:
- Bán tác phẩm gốc đã được bảo hộ quyền tác giả, hay sao thành nhiều bản, tái bản và bán các bản sao tác phẩm;
- Cho phép người khác tái bản hay sử dụng tác phẩm (chuyển giao quyền tài sản đối với tác phẩm);
- Bán (chuyển nhượng) toàn bộ hoặc một phần quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
- ...

Nhìn chung, quyền tác giả đối với tác phẩm ban đầu thuộc về người sáng tạo ra tác phẩm - đó chính là tác giả.So với các loại quyền sở hữu trí tuệ khác, thời hạn bảo hộ của quyền tác giả là thương đối dài. Lý do căn bản là những tác giả sáng tạo ra hình thức thể hiện nguyên gốc cần bảo hộ tác phẩm của họ cho đến khi họ có thể nhận được tiền thù lao thỏa đáng cho những nỗ lực sáng tạo của mình.

Mục đích thực sự của quyền tác giả là tạo ra lợi ích chung và thúc đẩy sự phát triển của khoa học và nghệ thuật thông qua việc khuyến khích sự sáng tạo hơn nữa, bởi quyền tác giả khuyến khích tạo ra các tác phẩm mới bằng cách trao cho các tác giả sáng tạo độc quyền trong một thời hạn nhất định, và bảo đảm rằng một khối lượng thông tin về các tác phẩm miễn phí mà các nhà sáng tạo có thể tìm hiểu và sử dụng để tạo ra các tác phẩm mới. Quyền tác giả cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của xã hội và thưởng thức các sáng tạo văn học nghệ thuật của tất cả mọi người với quyền bảo vệ các lợi ích vật chất và tinh thần của tác giả.

Việc đăng ký quyền tác giả lại cần thiết và hữu ích ở Việt Nam hiện nay. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Bên cạnh đó, việc hưởng quyền tác giả cũng được thực hiện một cách dễ dàng. Ví dụ như khi chủ sở hữu muốn chuyển nhượng quyền tác giả, một trong những căn cứ xác thực nhất để người nhận chuyển nhượng tin tác phẩm thuộc sở hữu của tác giả là giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Từ đó, việc chuyển nhượng cũng như các thủ tục chuyển nhượng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.

Ngược lại, trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không đăng ký quyền tác giả thì khi có tranh chấp xảy ra các chủ thể này phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Trong nhiều trường hợp, khi mà người khác đã có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chứng minh quyền của mình đối với tác phẩm là rất khó khăn, thậm chí không thể chứng minh được.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].