Nhiệm vụ quản lí hành chính nhà nước được thực hiện trên thực tế thông qua những hoạt động cụ thể khác nhau.
Những hoạt động cụ thể này rất phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức do nó được các chủ thể có nhiệm vụ khác nhau ở cấc cấp quản lí khác nhau tiến hành. Những hoạt động này có thể được phân thành nhóm căn cứ vào những dấu hiệu chung (hoặc tương tự) biểu hiện ra bên ngoài.
Biểu hiện ra bên ngoài của hoạt động quản lí trong những hành động cụ thể cùng loại được gọi là hình thức của hoạt động quản lí. Như vậy, hình thức quản lí hành chính nhà nước (với tư cách là cách thức thể hiện nội dung của quản lí hành chính nhà nước trong hoàn cảnh quản lí cụ thể) là hoạt động biểu hiện ra bên ngoài của chủ thể quản lí nhằm thực hiện tác động quản lí.
Nói cách khác, hình thức quản lí hành chính nhà nước là biểu hiện có tính chất tổ chức - pháp lí của những hoạt động cụ thể cùng loại của chủ thể quản lí hành chính nhà nước nhằm hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra trước nó.
Do tính chất đa dạng của hoạt động quản lí hành chính nhà nước nên việc xác định hình thức quản lí đem lại hiệu quả cao là nhiệm vụ quan trọng và không dễ dàng. Việc xác định hình thức quản lí có hiệu quả phụ thuộc vào những điều kiện khách quan, những chức năng của quản lí, nội dung và tính chất của những nhiệm vụ (vấn dề) cần giải quyết, những đặc điểm của đối tượng quản lí, yêu cầu cụ thể đặt ra trước chủ thể quản lí hành chính nhà nước v.v.. đồng thời, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật vì hoạt động quản lí hành chính nhà nước là hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật.
Việc xác định hình thức quản lí hành chính nhà nước cần phải được tiến hành trên cơ sở những quy luật nhất định, trong đó có:
- Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lí với chức năng quản lí.
- Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lí với nội dung và tính chất của những vấn đề quản lí cần giải quyết.
- Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lí với những đặc điểm của đối tượng quản lí cụ thể.
- Quy luật về sự phù hợp của hình thức quản lí với mục đích cụ thể của tác động quản lí.
Ngoài ra, để bảo đảm sự xác định đúng đắn, bảo đảm tổ chức quản lí hợp lí và khoa học cần phải phân loại các hình thức quản lí hành chính nhà nước thành những nhóm gồm những hoạt động quản lí giống nhau (hoặc tương tự) về tính chất, nội dung, những biểu hiện bề ngoài...
Phân loại các hình thức quản lí hành chính nhà nước
Những hình thức cụ thể của hoạt động quản lí hành chính nhà nước thường liên quan hữu cơ với những hình thức pháp lý của hoạt động nhà nước nói chung (lập pháp, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật). Nét đặc trưng của quản lí hành chính nhà nước là những hình thức pháp lí liên kết chặt chẽ với nhau trên cơ sớ sự thống nhất cúa chức năng chấp hành - điều hành. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các chủ thể của quản lí hành chính nhà nước cần:
- Xác lập những quy tắc xử sự dưới luật trong những vấn đề thuộc thấm quyền của mình.
- Tiến hành hoạt động điều hành mà nội dung là áp dụng quy phạm pháp luật.
- Giải quyết những trường hợp không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá hành vi xử sự của các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính và áp dụng các biện pháp tác động có tính chất bắt buộc trong những trường hợp pháp luật quy định.
Đồng thời, thực tiễn quản lí hành chính nhà nước cũng cho thấy rằng hoạt động quản lí hành chính nhà nước còn có thể được tiến hành dưới những hình thức không pháp lí. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cho phép các chủ thể quản lí hành chính nhà nước thực hiện những hành vi trái pháp luật, bởi vì mọi hoạt động của chủ thể quản lí hành chính nhà nước đều phải tiến hành trên cơ sở pháp luật và để thực hiện pháp luật.Như vậy, ta có thể phân loại các hình thức quản lí hành chính nhà nước thành hình thức pháp lí và hình thức không pháp lí.
Hình thức pháp lí bao giờ cũng được pháp luật quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục... (Ví dụ: Đối với hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì pháp luật quy định thẩm quyền ban hành văn bản, hình thức văn bản, thủ tục ban hành văn bản v.v..); còn hình thức không pháp lí thì pháp luật chỉ quy định những thủ tục chung để tịến hành chúng (thủ tục tiến hành hội nghị, hội thảo, tổng kết và phổ biến kinh nghiệm công tác..).
Sự khác nhau giữa 2 loại hình thức này còn thể hiện ở chỗ hình thức pháp lí có thể dẫn đến sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt những quan hệ pháp luật hành chính cụ thể còn hình thức không pháp lí thì không có khả năng ấy. Hình thức không pháp lí có thể được tiến hành trước hoặc sau hình thức pháp lí (quyết định hành chính được ban hành trên cơ sở báo cáo hoặc đề nghị của cấp dưới) hoặc đơn giản là tạo điều kiện cần thiết cho việc tiến hành hoạt động mang tính chất pháp lí (chuẩn bị những số liệu, tài liệu cần thiết).
Các chủ thể quản lí hành chính nhà nước thường kết hợp sử dụng cả hình thức pháp lí lẫn hình thức không pháp lí trong hoạt động của mình. Cần lưu ý rằng, hiện nay các hình thức pháp lí đang chiếm ưu thế nhưng xu hướng chung là việc sử dụng các hình thức không pháp lí ngày càng phổ biến hơn trong hoạt động của các chủ thể quản lí hành chính nhà nước. Điều đó hoàn toàn phù hợp với phương hướng và nội dung cải cách nền hành chính quốc gia hiện nay. Khi phạm vi của những chỉ thị, mệnh lệnh bắt buộc ngày càng thu hẹp lại thì việc hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động của cấp dưới, công tác giải thích, dự báo v.v. ngày càng được quan tâm hơn.
Cách phân loại trên đây, nhìn chung, được nhiều người thừa nhận nhưng khi phân loại cụ thể hơn thì có nhiểu ý kiến khác nhau. Có ý kiến phân loại các hình thức quản lí hành chính nhà nước thành bốn loại như sau:
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật.
- Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp.
- Thực hiện những tác động về nghiệp vụ - kĩ thuật.
Tuy nhiên, theo cách phân loại trên đây sẽ có một phần hoạt động của các chủ thể quản lí hành chính nhà nước không được xếp vào hình thức nào. Đó là những hoạt động mang tính chất pháp lí nhưng không đòi hói phải ban hành văn bán áp dụng quy phạm pháp luật như đăng kí phương tiện giao thông, cấp văn bằng... Như vậy, bên cạnh bốn hình thức kể trên còn có một hình thức nữa là những hoạt động mang tính chất pháp lí nhưng không cần phải ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật (tạm gọi là những hoạt động khác mang tính chất pháp lí).
Do đó, hợp lí hơn cả là phân chia các hình thức quản lí hành chính nhà nước thành 5 loại:
- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật.
- Thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lí.
- Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp.
- Thực hiện những tác động về nghiệp vụ - kĩ thuật.
Bài viết được thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, Giảng viên khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Hòa Bình
Xem thêm:
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest quaTổng đài tư vấn pháp luật19006198, E-mail:[email protected],[email protected].
Bình luận