Khái niệm cơ bản về quyền con người và quyền của công dân

Các quyền con người được hiểu đó là những quyền mà pháp luật cần phải thừa nhận đối với tất cả các thể nhân. Đó là quyền tối thiểu mà các cá nhân phải có, những quyền mà các nhà lập pháp không được xâm hại.

Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, là những quyền, nghĩa vụ được Nhà nước quy định trong Hiến pháp. Những quyền và nghĩa vụ này được hiến pháp quy định cho tất cả mọi công dân không quy định cho từng người trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể.

Thạc sỹ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Thứ nhất, khái niệm về quyền con người

Trong khoa học pháp lý, các quyền con người được hiểu đó là những quyền mà pháp luật cần phải thừa nhận đối với tất cả các thể nhân. Đó là quyền tối thiểu mà các cá nhân phải có, những quyền mà các nhà lập pháp không được xâm hại. Nhằm mục đích bảo vệ những quyền tự nhiên này của con người những sự xâm phạm của bất kể chủ thể nào, nên xã hội loài người đã phải tạo ra cho mình một thiết chế có trách nhiệm đảm bảo những quyền này. Thiết chế được sau này gọi là nhà nước. Đúng như những điều được ghi nhận trong Bản "Tuyên ngôn độc lập" của Mỹ năm 1776:

"Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng, mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Rằng để đảm bảo những quyền lợi này, các chính phủ được thành lập ra trong nhân dân và có được những quyền lợi chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhấtđối với an ninh và hạnh phúc của họ".

Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng của Pháp năm 1789 cũng khẳng định một nội dung tương tự:

Những người đại diện của nhân dân Pháp, tổ chức thành Quốc hội cho rằng, sự không hiểu biết, sự lãng quên hay sự coi thường quyền con người, là những nguyên nhân duy nhất của những nỗi bất hạnh công cộng, của tệ hủ bại chính phủ đã quyết định nêu trong một bản Tuyên ngôn long trọng về những quyền tự nhiên, không thể tước đoạt và thiêng liêng của con người; nhằm để cho bản Tuyên ngôn này luôn nằm trong ý thức của mỗi thành viên xã hội và luôn luôn nhắc nhở họ về những quyền và nghĩa vụ của bản thân; nhằm để cho mọi hành động của quyền lực lập pháp và quyền lực hành pháp có thể bất cứ lúc nào có thể đối chiếu với mục đích của mỗi thể chế chính trị đó và được tôn trọng hơn; nhằm để cho các yêu cầu của mọi công dân nay được dựa trên những nguyên tắc đơn giản không thể chối cãi, sẽ luôn luôn hướng vào sự giữ gìn hiến pháp và vào hạnh phúc của mọi con người.

Từ những quyền con người của các nhà nước phát triển đã trở thành quyền con người của Liên hợp quốc. Quyền con người được luật pháp quốc tế bảo vệ. Ngày 19-12-1966 Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã thông qua hai công ước quốc tế về các quyền con người. Công ước thứ nhất có hiệu lực từ ngày 23-3-1976 bảo vệ các quyền dân sự và chính trị. Công ước thứ hai có hiệu lực từ ngày 3-1-1976 bảo vệ các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội.

Quyền con người như những điều đã được phân tích ở phần trên đã trở thành đối tượng điều chỉnh quan trọng của Hiến pháp. Một nội dung quan trọng của Hiến pháp. Mục đích của quy định này như là một bản cam kết của nhà nước phải thực hiện an toàn và sự phát triển của con người.


Quan hệ giữa Nhà nước và dân cư (các cá nhân) sống trên lãnh thổ là mối quan hệ nền tảng trong mỗi quốc gia. Quan hệ đó thể hiện trong các quyền và nghĩa vụ được quy định tạo thành địa vị pháp lý của cá nhân. Địa vị pháp lý này nhiều, ít tùy thuộc vào tính chất của Nhà nước (quân chủ chuyên chế, dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa) và vào tính công dân của người đó (là công dân, người không quốc tịch hay người nước ngoài). Do đó việc xác định tính công dân (quốc tịch) của một cá nhân là một yếu tố trong việc quy định địa vị pháp lý của cá nhân.

Công dân là bộ phận dân cư chủ yếu của một Nhà nước bao gồm những người được xác định lệ thuộc pháp lý đối với Nhà nước đó. Người là công dân của Nhà nước sở tại thì được hưởng đầy đủ những quyền và lợi ích tương xứng và đồng thời phải gánh vác những nghĩa vụ do Nhà nước quy định. Những cá nhân không phải là công dân thì chỉ được hưởng một số quyền lợi và gánh vác những nghĩa vụ không đầy đủ so với những người là công dân theo quy định của pháp luật nước sở tại và các hiệp ước được ký kết hoặc phê chuẩn.

Khái niệm công dân được gắn liền với khái niệm quốc tịch. Người là công dân của Nhà nước nào thì có quốc tịch của nước đó. Điều 49 Hiến pháp nước ta quy định "Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam". Khái niệm quốc tịch được dùng để phân biệt công dân của một nước với công dân của nước khác và với người không phải là công dân của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Khái niệm quốc tịch được định nghĩa thông dụng trên thế giới. Theo từ điển Bách khoa luật của Liên Xô cũ thì "Quốc tịch là sự quy thuộc về mặt pháp lý và chính trị của một cá nhân vào một Nhà nước thể hiện mối quan hệ qua lại giữa Nhà nước và cá nhân. Nhà nước quy định các quyền cho cá nhân là công dân của mình, bảo vệ và bảo hộ công dân đó ở nước ngoài. Về phần mình, công dân phải tuân theo pháp luật của Nhà nước và hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Theo Từ điển luật của Mỹ "Quốc tịch là một đặc tính phát sinh từ sự kiện quy thuộc của một người vào một quốc gia hay một Nhà nước. Theo Từ điển Oxford của Anh "Quốc tịch là sự quy thuộc của một người vào một quốc gia nào đó". Luật quốc tịch Việt Nam (1998) định nghĩa: "Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”.

Như vậy, quốc tịch là trạng thái pháp lý xác định mối quan hệ lệ thuộc giữa một cá nhân với một Nhà nước nhất định. Người có quốc tịch (là công dân) sẽ chịu sự tài phán tuyệt đối của Nhà nước, đồng thời được hưởng đầy đủ mọi năng lực pháp lý với sự bảo hộ của Nhà nước cả trong đất nước cũng như ở nước ngoài.

Trong trạng thái pháp lý trên, mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân có quốc tịch (công dân) được thể hiện như sau: (i) Thứ nhất, Nhà nước bằng pháp luật, quy định quyền và nghĩa vụ công dân; (ii) Thứ hai, công dân phải có nghĩa vụ tuân theo pháp luật mà Nhà nước của mình đặt ra dù họ ở trong hoặc ngoài nước; (iii) Thứ ba, Nhà nước có quyền phán xét, xử lý tuyệt đối các hành vi của công dân của mình đồng thời phải có trách nhiệm bảo hộ quyền và lợi ích của công dân cả ở trong và ngoài nước.

Khi nói quốc tịch hay công dân là nói tới sự lệ thuộc của một cá nhân vào một Nhà nước nhất định chứ không phải đối với một đất nước. Trên một đất nước, qua các giai đoạn lịch sử có thể có những nhà nước (chế độ) khác nhau tồn tại. Quan hệ Nhà nước công dân bao giờ cũng là quan hệ giữa công dân với một Nhà nước cụ thể. Hiện nay ở nước ta đó là quan hệ giữa công dân Việt Nam đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Công dân Việt Nam của các chế độ trước được hưởng quyền và sự bảo hộ kế thừa của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Sự tồn tại của Nhà nước luôn luôn gắn liền với một quốc tịch thống nhất. Trong từng trường hợp Nhà nước được tổ chức dưới hình thức liên bang thì quốc tịch (công dân) của các lãnh thổ hợp thành (bang, cộng hòa) đồng thời là công quốc tịch (côngdân) của Nhà nước liên bang.

Để xác định công dân (quốc tịch) của mình, Nhà nước ban hành luật quốc tịch. Đó là một chế định luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xác lập tính lệ thuộc giữa một bên là các cá nhân sống trên lãnh thổ và bên kia là Nhà nước. Luật quốc tịch là tổng thể các quy phạm quy định về sự có, mất, thay đổi quốc tịch, quốc tịch của người chưa thành niên, thẩm quyền và thủ tục giải quyết các vấn đề về quốc tịch. Hiện nay, ngoài Hiến pháp, có Luật quốc tịch Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành luật Quốc tịch Việt Nam - là những văn bản điều chỉnh vấn đề quốc tịch.


Mặc dù hiến pháp thành văn trên thế giới đều được thừa nhận là văn bản quy định chế độ nhà nước dân chủ của mỗi một quốc gia, nhưng trong nội dụng của các bản hiến pháp này đều chứa đựng một phần các quy định về nhân quyền. Hoặc trong trường hợp không có thì cũng phải có quy định thừa nhận nhân quyền như là một trong những nội dung của Hiến pháp.

Từ xã hội mông muội công xã nguyên thủy sang xã hội chiếm hữu nô lệ, Nhà nước có vai trò cực lớn trong bước tiến này đã giúp con người từ xã hội mông muội sang một xã hội văn minh. Nhưng trải qua thời kỳ chiếm hữu nô lệ và thời kỳ phong kiến, Nhà nước thể hiện sự tha hóa của mình, bộc lộ những yếu điểm cần phải thay đổi. Cách mạng tư sản đã đứng ra với nhiệm vụ thay đổi xã hội phong kiến và Nhà nước phong kiến, chấm dứt hiện tượng quyền lực vô hạn định, thần bí của Nhà nước mà nhà vua lúc bấy giờ là đại diện. Cùng với đòi hỏi lớn lao này là đòi hỏi chấm dứt "xã hội thần dân" một xã hội, mà đại bộ phận cư dân tạo nên xã hội không có quyền hạn mà chỉ có gánh vác nghĩa vụ.

Với đòi hỏi hạn chế quyền lực vô hạn định của nhà Vua đã xuất hiện một văn bản hạn chế quyền lực của nhà Vua. Đó là Hiến pháp. Với đòi hỏi khẳng định quyền con người của các thần dân xuất hiện các Tuyên ngôn về Nhân quyền. Hai vấn đề này gắn bó mật thiết với nhau. Hiến pháp bên cạnh việc hạn chế quyền lực của Nhà nước đồng thời cũng khẳng định quyền lực của Nhà nước không xuất phát từ chỗ thần bí, từ thiên đình, mà xuất phát từ nhân dân. Tuyên ngôn Nhân quyền không đơn giản chỉ tuyên bố quyền của con người trong lĩnh vực chính trị, khẳng định sự tham gia của nhân dân vào việc tổ chức Nhà nước. Sự hạn chế quyền lực của nhà Vua cũng chính là nhằm mục đích khẳng định quyền con người trong lĩnh vực chính trị.Vì vậy, nếu như hiến pháp có hiệu lực pháp lý tối cao, thì Tuyên ngôn Nhân quyền cũng có một hiệu lực chí ít là như vậy, nếu như không là cao hơn.

Việc tuyên bố quyền con người trong lịch sử có hai hình thức biểu hiện. Hình thức thứ nhất, bản Tuyên ngôn Nhân quyền riêng biệt và hình thức thứ hai là một phần (một chương) của Hiến pháp.Phần mở đầu Hiến pháp Đệ ngũ Cộng hòa Pháp 1958 viết:"Nhân dân Pháp long trọng tuyên bố trung thành với bản tuyên ngôn nhân quyền và những nguyên tắc về chủ quyền ấn định trong bản Tuyên ngôn nhân quyền 1789".Quy định này chứng tỏ rằng Tuyên ngôn nhân quyền 1789 còn có hiệu lực cao hơn, hoặc ít nhất là có hiệu lực pháp lý như của Hiến pháp năm 1958 của Pháp hiện nay.

Hiến pháp Mỹ 1787 là hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới, chỉ có 7 điều nói về tổ chức Nhà nước, không hề có điều nào nói về nhân quyền (trừ quyền chính trị). Ngay sau khi mới thông qua bản hiến pháp này đã gặp mọi sự chỉ trích rất lớn vì không có quy định về nhân quyền. Khắc phục khiếm khuyết này, năm 1791 phải chỉnh lý ngay bằng 10 tu chính án. 10 tu chính án này chính là những quy định về vấn đề nhân quyền của người Mỹ. Bản hiến pháp gồm bảy điều được gọi là chính văn và bản tu chính án gọi là phần phụ văn.

Nếu việc tách Tuyên ngôn nhân quyền ra khỏi hiến pháp bằng một Tuyên ngôn Nhân quyền riêng, có hiệu lực pháp cao như Hiến pháp thường có ở các nước tư bản phát triển, thì đối với các nước chậm phát triển, nhân quyền lại là một phần quan trọng nằm ngay trong hiến pháp, thành một chương riêng hay thành một phần riêng của bản Hiến pháp.

Nước Việt Nam chúng ta cũng theo một quy luật như vậy, nhân quyền được chứa đựng trong một chương của Hiến pháp. Ngay từ năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam đã dành một chương long trọng cho những quy định về nhân quyền - "Chương quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" là chương thứ hai sau chương về chính thể. Mặc dù các hiến pháp của Nhà nước Việt nam không có quy định chung về nhân quyền, nhưng mọi quy định của chúng ta về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đều phải dựa trên những quy định về quyền con người.

Điểm khác các nước tư bản phát triển ở chỗ, nhân quyền Việt Nam thường gắn liền với quyền dân tộc. Sở sĩ có hiện tượng như vậy, vì vốn dĩ trước đây, đất nước Việt Nam nằm dưới ách thống trị của phong kiến Trung Quốc và thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ này tất cả mọi người dân Việt Nam không có quyền công dân, mà đều là thuộc dân, không khác nào thân phận của những người nô lệ. Sau khi được giải phóng bằng một cuộc đấu tranh giành độc lập, mọi người dân nô lệ nói trên đều trở thành công dân. Vì vậy, bên cạnh quy định quyền con người cho công dân Việt Nam, Hiến pháp đồng thời cũng gắn liền việc định ra những trách nhiệm cơ bản của công dân. Theo nguyên tắc bình đẳng, khác thời đại phong kiến ở chỗ, trong xã hội chúng ta không có một hạng người nào chỉ hưởng quyền lợi mà không gánh vác nghĩa vụ và ngược lại.

Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn luôn gắn liền với vấn đề quốc tịch là nội dung biểu hiện của vấn đề quốc tịch. Có quốc tịch thì mới có quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; không có điều ngược lại. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là hạt nhân cơ bản của quy chế công dân.

Những quyền và nghĩa vụ được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong mỗi một Nhà nước được gọi là quyền và nghĩa vụ cơ bản. Việc quy định như vậy vì những quyền và nghĩa vụ này xuất phát từ nhân quyền; việc thành lập ra Nhà nước tiến bộ để bảo vệ chúng và không được xâm phạm trong khi thực hiện quyền lực của mình.

Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, là những quyền, nghĩa vụ được Nhà nước quy định trong Hiến pháp. Những quyền và nghĩa vụ này được hiến pháp quy định cho tất cả mọi công dân, hoặc cho cả một tầng lớp, một giai cấp, không quy định cho từng người trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Những quyền này thường được xuất phát từ quyền con người: "Được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc, không ai có thể xâm phạm". Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là cơ sở chủ yếu xác định địa vị pháp lý của công dân, là cơ sở cho mọi quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi một công dân.

Bài viết được thực hiện bởi: Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest, Giảng viên khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Hòa Bình

Xem thêm:
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].