Khoản 2 điều 123 bộ luật lao động 2012 quy định: “Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỉ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động”.
Hỏi: Tôi phạm tội trộm cắp tài sản công ty. Trị giá khoảng 24 tr đồng. Sau đó, tôi đã làm đơn nhận lỗi. Và bồi thường hoàn trả. Tôi nhận được quyết định sa thải tính tới nay là 18 ngày. Hôm nay tôi lại nhận được điện thoại từ công ty, bảo tôi vẫn còn trộm trước đó chưa giải quyết hết. Báo là có kiểu cách giống như tôi làm. Sau đó bảo tôi phải chịu trách nhiệm mà không có lý do, chỉ dựa vào những tình tiết trước mà kết luận. Đề nghị luật sư tư vấn, tôi có còn phải chịu liên đới pháp luật nữa không, có phải chịu trách nhiệm những phát sinh sau đó không? (Nguyễn Văn Tuấn - Hà Giang)
Về việc xử lý hành vi trộm cắp tài sản của công ty:
Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội trộm cắp tài sản như sau: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Theo Điều 126 Bộ luật lao động 2012:
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động”
Khoản 2 điều 123 bộ luật lao động 2012 quy định: “Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỉ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động”
Theo dữ kiện được cung cấp, anh (chị) đã làm đơn nhận lỗi, bồi thường và hoàn trả tài sản cho công ty, công ty cũng không truy cứu trách nhiệm hình sự và đã có quyết định sa thải anh (chị). Do đó, anh (chị) đã bị xử lý kỉ luật đối với hành vi trộm cắp 24 triệu của mình. Trừ khi số tiền anh (chị) đã lấy trên thực tế lớn hơn 24 triệu hoặc anh (chị) còn thực hiện những hành vi khác vi phạm pháp luật cũng như nội quy công ty, còn anh (chị) sẽ không phải chịu thêm trách nhiệm đối với hành vi mà anh (chị) đã bị kỉ luật.
Về trách nhiệm với số tiền bị trộm chưa giải quyết hết:
Việc xử lý kỉ luật đối với người lao động phải đáp ứng nguyên tắc, trình tự thủ tục được quy định tại điều 123 Bộ luật lao động 2012 như sau :“a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động; b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật; d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản”.
Như vậy, để có thể bắt anh (chị) phải chịu trách nhiệm đối với số tài sản chưa giải quyết hết, có thể hiểu là nằm ngoài số tài sản 24 triệu mà anh (chị) đã phải chịu trách nhiệm, bị xử lý kỉ luật, công ty phải đưa ra được những bằng chứng, chứng minh anh (chị) đã có hành vi trộm cắp số tài sản đó. Và trong trường hợp này, nếu công ty chỉ dựa vào việc: cách thức tiến hành giống như anh (chị) đã làm, thì chưa đủ căn cứ chứng minh anh (chị) là người đã trộm số tài sản đó.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận