Hình thức kỉ luật sa thải được quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012.
Hỏi: Tôi làm việc tại công ty Cổ phần đầu tư và giao nhận SGDS từ tháng 4/2015. Đến ngày 6/11/2015, công ty thông báo tôi vi phạm kỷ luật của công ty và ra quyết định sa thải nhưng không trả lương, đồng thời Giám đốc nói là giữ lương để tính toán thiệt hại của công ty mới trả lương, tôi không biết thiệt hại mà công ty nói đến là thiệt hại gì đã có yêu cầu giải thích nhưng Giám đốc chỉ nói là "Thiệt hại kinh tế về lâu dài". Sau đó hẹn 15 ngày sau giải quyết. Công ty có giữ bằng gốc THPT và 2 triệu tiền thê chân công ty yêu cầu khi xin việc. Nhưng đến nay đã hơn 15 ngày nhưng công ty không giải quyết, tôi liên lạc với Giám đốc nhưng chỉ nhận được trả lời là công ty chưa tính toán xong, đợi tính toán xong sẽ giải quyết nhưng không có ngày hẹn cụ thể. Bây giờ tôi vừa không có lương vừa không có bằng không thể kiếm việc mới. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi phải làm sao để được giải quyêt? (Bình Nguyễn - Đồng Nai)
Luật gia Nguyễn Ngọc Diệp - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Trước hết anh (chị) cần xem xét lại công ty áp dụng hình thức kỉ luật sa thải đối với mình đã hợp pháp chưa theo quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012:
"Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động."
Nếu quyết định sa thải của anh (chị) là đúng với quy định của pháp luật thì bên công ty có nghĩa vụ thanh toán lương cho anh (chị) trong thời gian là 7 ngày làm việc hoặc có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày theo khoản 2 điều 47 BLLĐ, ngoài ra theo thông tin anh (chị) cung cấp công ty đang xem xét các khoản thiệt hại về kinh tế lâu dài mới trả lương cho anh (chị) là chưa đúng với quy định của pháp luật do công ty không được áp dụng bất cứ hình thức phạt tiền nào thay cho việc xử lý kỷ luật lao động theo khoản 2 điều 128 BLLĐ.
"Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày."
"Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.
2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động."
Đối với khoản tiền phía công ty yêu cầu anh (chị) đặt cọc là 2 triệu đồng và giữ lại bằng tốt nghiệp bản gốc của anh (chị) là trái với quy định của Điều 20 BLLĐ anh (chị) hoàn toàn có thể yêu cầu công ty hoàn trả lại bằng tốt nghiệp cùng số tiền này bất cứ lúc nào.
"Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động."
Như vậy để có thể đảm bảo quyền và lợi ích cho mình trước tiên anh (chị) có thể yêu cầu phía công ty thực hiện các nghĩa vụ trên nếu quá thời hạn là 30 ngày sau khi có quyết định sa thải công ty vẫn cố tình không hoàn trả lại cho anh (chị), anh (chị) có thể làm đơn khiếu nại tới hòa giải viên lao động của ủy ban nhân dân huyện/quận nơi công ty đặt trụ sở hoặc làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyềm theo Điều 200 Bộ luật Lao động năm 2012.
"Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
1. Hoà giải viên lao động.
2. Toà án nhân dân."
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thương mại mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận