-->

Độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động

Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

Câu hỏi của khách hàng Nguyễn Minh Hằng - Bắc Ninh: 1- Đề nghị luật sư tư vấn về độ tuổi tối thiểu của người lao động, những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng lao động là người chưa thành niên. 2- Con tôi còn thiếu 03 tháng nữa mới đủ 15 tuổi. Cháu đã nghỉ học và muốn xin làm công nhân tại một công ty may. Chúng tôi có phải cam kết hay bảo lãnh cho cháu hay không?
Luật sư tư vấn pháp luật lao động - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật lao động - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Đối với câu hỏi của anh (chị),Công ty Luật TNHH Everestcó một số ý kiến tư vấn như sau:

Thứ nhất, về các quy định của pháp luật lao động đối với lao động là người chưa thành niên.

Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định:

- Người lao động: "Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động" (khoản 1 Điều 3).

- Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động: "Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động" (khoản 1 Điều 18).

- Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên:

"1- Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2- Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

3- Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4- Không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác;

5- Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hoá"
(Điều 163).

- Sử dụng lao động dưới 15 tuổi:

"1- Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2- Khi sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi thì người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây: (a) Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi; (b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em; c) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;

3- Không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc trừ một số công việc cụ thể do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Khi sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc thì người sử dụng lao động phải tuân theo quy định tại khoản 2 Điều này"
(Điều 164).

- Các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên:

"1- Cấm sử dụng người chưa thành niên làm các công việc sau đây: (a) Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; (b) Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; (c) Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; (d) Phá dỡ các công trình xây dựng; (đ) Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; (e) Lặn biển, đánh bắt cá xa bờ; g) Công việc khác gây tổn hại cho sức khoẻ, an toàn hoặc đạo đức của người chưa thành niên.

2- Cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc ở các nơi sau đây: (a) Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; (b) Công trường xây dựng; (c) Cơ sở giết mổ gia súc; (d) Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp; (đ) Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khoẻ, sự an toàn và đạo đức của người chưa thành niên" (khoản 1, khoản 2 Điều 165).
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài: 1900 6918
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài: 1900 6918

Thứ hai, về nội dung người dưới mười lăm tuổi có thể xin việc làm hay không.

Con của anh (chị) chưa đủ 15 tuổi, nên chưa được xác định là người lao động theo quy định của Bộ luật Lao Động. Tuy nhiên, nếu gia đình có nguyện vọng cho con làm việc thì vẫn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Trường hợp này, người sử dụng lao động tuân thủ quy định phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật (bố, mẹ) và phải được sự đồng ý của người chưa thành niên; Phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em; Phải đảm đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

Bài viết thực hiện bởi: Thạc sỹ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest.

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail: [email protected].