Xuất phát từ bản chất của chế định án treo là không bắt người phạm tội phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội mà để họ tự giáo dục, cải tạo…
Người phạm tội phải như thế nào thì Tòa án có thể tin rằng: họ sẽ tự cải tạo, giáo dục được? Do đó, mặc dù không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm, song nhân thân người phạm tội không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội, định khung hình phạt, quyết định hình phạt, mà còn trong xem xét áp dụng án treo.
“Nhân thân người phạm tội được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ. Những đặc điểm đó có thể là tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, thái độ trong quan hệ với người khác, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình, đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án tiền sự…”.
Giữa một người và hành vi của họ thực hiện bao giờ cũng có quan hệ với nhau.
Có thể là cùng một hành vi song ở người này nó là sự ngẫu nhiên, vô tình song ở người khác lại là một sự sắp đặt tinh vi, biểu hiện bản chất người phạm tội. Do đó, một hành vi phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm như thế nào một phần cũng phụ thuộc vào bản chất của người phạm tội. Một người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định trong cấu thành tội phạm tăng nặng của tội cướp tài sản thì điều đó nói lên rằng bản chất của con người này rất nguy hiểm, tư tưởng phạm tội cùng với sự coi thường pháp luật ăn sâu vào ý thức của người đó, và điều đó cũng có nghĩa là nhân thân của ngươi này rất xấu.
Việc làm sáng tỏ được một số dấu hiệu về nhân thân người phạm tôi có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tòa án xem xét, đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, từ đó quyết định một hình phạt hợp lý và cũng là cơ sở giúp cho tòa án đánh giá về khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội. Chính vì vậy, việc đánh giá, xem xét vấn đề nhân thân người phạm tội là một nguyên tắc khi quyết định hình phạt nói chung và là một điều kiện bắt buộc khi xem xét cho hưởng án treo nói riêng bởi vì nghiên cứu về nhân thân chính là giải quyết mối quan hệ giữa hành vi của người phạm tội và con người phạm tội này, từ đó đánh giá được bản chất của người phạm tội qua tính chất nguy hiểm và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Về điều kiện nhân thân để người phạm tội không phải cách ly khỏi xã hội và tự cải tạo giáo dục, tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NĐ-CP thì có nhân thân tốt được chứng minh là: Ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.
Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là có nhân thân tốt. Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ. Chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người bị kết án từ trên 3 năm tù đến 15 năm tù về tội do cố ý (kể cả trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều tội hoặc nhiều bản án) mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;
+ Người bị kết án đến 3 năm tù về tội do cố ý mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;
+ Người bị kết án về các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;
+ Người bị kết án về các tội do vô ý mà đã được xóa án tích;
+ Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ hai lần trở lên mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;
+ Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc một lần và có nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;
+ Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 18 tháng;
+ Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật từ hai lần trở lên mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 18 tháng;
+ Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi có cùng tính chất với hành vi phạm tội lần này mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;
+ Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 6 tháng;
+ Người đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính;
Để đánh giá một người có nhân thân tốt thì phải là sự đánh giá cả một quá trình về thái độ của kẻ phạm tội trước, trong và sau khi phạm tội trong mối quan hệ với nhau.
Sự đánh giá người phạm tội trước, trong và sau khi phạm tội sẽ có được một kết quả đúng đắn và khách quan nhất, bởi vì trong nhiều trường hợp kẻ phạm tội sau khi phạm tội thì tỏ vẻ thật thà, ăn năn, hối cải nhưng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài nhằm che đậy bản chất bên trong hòng đánh lừa cơ quan điều tra và mong được coi đấy là tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào sự đánh giá ở góc độ này sẽ dẫn đến cái nhìn phiến diện và không thấy được bản chất nguy hiểm của kẻ phạm tội, vì những tên như vậy cũng chứng tỏ rằng chúng có kinh nghiệm đối phó với cơ quan điều tra, xét xử… Như vậy thì một lẽ đương nhiên là không thể cho người phạm tội có bản chất nguy hiểm thể hiện một quá khứ với nhiều tiền án, tiền sự trước khi phạm tội thể hiện sự tính toán sắp đạt tinh vi xảo quyệt, trong khi phạm tội thì cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, thủ đoạn và hành vi phạm tội thể hiện sự dã man, côn đồ, khi bị bắt thì quanh co, gian dối… được hưởng án treo; nó cho thấy con người phạm tội này với bản chất nguy hiểm như vậy sẽ không thể tự giáo dục, cải tạo chính mình được mà cần những hình phạt nghiêm khắc hơn. Việc chỉ cho những người vì hoàn cảnh khó khăn mà nhất thời phạm tội, phạm tội lần đầu, thủ đoạn phạm tội đơn giản, đã tự nguyện bồi thường và có thái độ ăn năn, hối cải thực sự về hành vi phạm tội của mình, được hưởng án treo sẽ phát huy được tác dụng tích cực của chế định này.
Dấu hiệu tuổi và sự đánh giá về khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội nhất là những trường hợp mà kẻ phạm tội là người chưa thành niên, là nội dung quan trọng trong việc đánh giá về nhân thân người phạm tội.
Độ tuổi chính là cơ sở để tòa án đánh giá khả năng nhận thức về hành vi nguy hiểm mà người phạm tội đã thực hiện. Độ tuổi chưa thành niên phản ánh rằng, người phạm tội chưa có sự nhận thức đầy đủ, suy nghĩ chín chắn khi thực hiện hành vi, nhiều khi chỉ vì bộc phát, bị rủ rê lôi kéo mà chưa thấy được tác hại của hành vi mà mình gây ra. Chính vì điều này mà luật hình sự nước ta quy định, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
Đặc biệt là trong các vụ án mà người phạm tội là người chưa thành niên để coi đây là một tình tiết giảm nhẹ thuộc về nhân thân, mà từ đó lượng hình thích hợp và cũng coi đây là một trong những dấu hiệu để đánh giá về khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội mà xem xét cho họ hưởng án treo.
Luật gia Vũ Thúy Hường - Công ty Luật TNHH Everest
Bình luận