Điều kiện thừa kế quyền sử dụng đất và nguyên tắc phân chia?

Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc...

Hỏi: Gia đình tôi có một miếng đất từ đời ông có để lại tức ông nội của ba tôi cho ba tôi từ năm 1976 và đã xây xây nhà ở có trích lục đầy đủ. Năm 2008 ba tôi bị tai nạn qua đời không để lại di chúc và cũng chưa làm được sổ đỏ. Năm 2014 tôi đăng ký làm sổ đỏ nhưng chỉ làm được sổ hồng và mẹ tôi đứng tên với tư cách là đại diện thừa kế. Vậy số tài sản đó bây giờ sẽ chia như thế nào và nếu sau này mẹ tôi mất thì sẽ chia như thế nào. Gia đình tôi có 6 anh chị em, tất cả đều đã lập gia đình (Phạm Huy - Hà Nội)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Thị Mai Phương – Tổ tư vấn pháp luật thừa kế – Công ty Luật TNHH Everest – trả lời:

Thứ nhất, về quyền để lại thừa kế.

Theo quy định tại điều 631 Bộ luật dân sự 2005 thì “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Trong trường hợp tài sản là đất thì phải tuân theo pháp luật về đất đai. Cụ thể:

Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện … thừa kế quyền sử dụng đất… khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”


“Sổ hồng” là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở” tại đô thị. “Sổ đỏ” là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” được cấp cho khu vực ngoài đô thị. Tuy nhiên để tiện cho công tác quản lý, từ năm 2009 Nhà nước ta đã thống nhất ban hành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong trường hợp bạn nêu, đất nhà bạn là đất sử dụng ổn định và lâu dài trước năm 2004, được cấp “sổ hồng” từ năm 2014. Theo quy định hiện hành, đây chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nêu trên. Như vậy trong nếu quyền sử dụng đất này không có tranh chấp, không bị kê biên thi hành án, và đang trong thời gian sử dụng thì được quyền để lại thừa kế và hưởng thừa kế.

Thứ hai, về người được thừa kế

Theo quy định tại điều 675 Bộ luật dân sự thì các trường hợp sau việc thừa kế sẽ theo pháp luật:

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.”

Khi đó, những người được hưởng thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự và nguyên tắc được di sản sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”


Như vậy trong trường hợp của bạn. Bố bạn mất và không để lại di chúc. Đây thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 675 nói trên. Do vậy những người có quyền hưởng di sản bao gồm: bà nội bạn (nếu còn sống), mẹ bạn, bạn và 5 anh, chị em bạn. Tuy nhiên nếu những người kể trên thuộc một trong các trường hợp được quy định tại điều 643 Bộ luật dân sự thì không được hưởng di sản. Cụ thể những người không được hưởng di sản bao gồm:

“a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”


Về nguyên tắc phân chia di sản:

Giá trị quyền sử dụng đất mà bố bạn để lại sẽ được chia đều cho những người được hưởng di sản nêu trên.

Đối với phần di sản mà mẹ bạn để lại sau khi mất:Trường hợp mẹ bạn để lại di chúc thì giá trị quyền sử dụng đất sẽ được phân chia theo nội dung di chúc.

Trường hợp mẹ bạn không để lại di chúc thì giá trị quyền sử dụng đất sẽ được phân chia theo pháp luật theo nguyên tắc nêu trên.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.