-->

Đặt lại tên cho tác phẩm dịch, có vi phạm quyền tác giả không?

Quyền đặt tên cho tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

[?] Tôi đọc được một tác phẩm nước ngoài, thấy hay nên đã dịch lại và dự định đặt lại tên cho tác phẩm bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, có người nói với tôi rằng, đặt tên cho tác phẩm thuộc quyền nhân thân và không được chuyển giao nên hành vi của tôi là vi phạm pháp luật. Nhờ Luật sư tư vấn, tôi có thể đặt lại tên bản dịch của mình không? (Hoài Vương - Quảng Ngãi)

Luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Phòng sở hữu trí tuệ - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền nhân thân:

Luật Sở hữu trí tuệnăm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009,quy định về quyền nhân thân như sau:

“Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây: 1. Đặt tên cho tác phẩm; 2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; 3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; 4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả" (Điều 19).

Như vậy, theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, việc đặt tên cho tác phẩm thuộc về quyền nhân thân, là quyền của tác giả. Pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền nhân thân như sau:

"Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn".

Như vậy, theo quy định của pháp luật, quyền đặt tên cho tác phẩm là quyền của tác giả và được bảo hộ vô thời hạn. Tác giả có quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì quyền nhân thân được quy định như sau: "Quyền đặt tên cho tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ. Quyền này không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác". (Khoản 1 Điều 20)

Như vậy, trong trường hợp của anh/chị, việc đặt tên tác phẩm của anh/chị bằng tiếng Việt không thuộc quyền nhân thân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc anh/chị dịch lại tác phẩm, đặt tên bằng tiếng việt vẫn phải xin phép tác giả, vì tác phẩm dịch thuộc tác phẩm phái sinh theo quy định của pháp luât.

Thứ hai, quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về tác phẩm phái sinh:


Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, quy định: "Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn" (Khoản 8 Điều 4)

"Hành vi xâm phạm quyền tác giả: ...7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này" (khoản 7 Điều 28)

Như vậy, trong trường hợp của anh/chị, việc dịch lại tác phẩm từ tiếng nước ngoài thuộc trường hợp làm tác phẩm phái sinh. Việc làm tác phẩm phái sinh phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trừ trường hợp"chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị" theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ 2005.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, việc anh (chị) dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác là việc làm tác phẩm phái sinh. Việc đặt tên tác phẩm bằng tiếng Việt không phải xâm phạm quyền nhân thân tuy nhiên pháp luật quy định làm tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Nếu anh (chị) làm tác phẩm phái sinh mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đây có thể coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tác giả có quyền đặt tên cho tác phẩm của mình, tuy nhiên quyền này không được áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Điều này nhằm mục đích bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc. Do đó, anh (chị) cũng không thể tự ý thay đổi tên tác phẩm dịch của mình.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest.