Điều 20 Bộ luật lao động 2012 có quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động bao gồm việc yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Hỏi: Em làm lái xe cho công ty vận chuyển 03 năm có đặt cọc 15 triệu. Vừa rồi có việc gia đình nên em đã nghỉ, và giờ lên lấy tiền đặt cọc thì công ty yêu cầu phạt em 01 tháng lương tương đương 2.700.000 nghìn với không trả lại số tiền đặt cọc. Cho em hỏi công ty làm như thế là đúng hay sai? (Tiến Đông - Hà Nội)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Phạm Văn Lâm - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Căn cứ vào điều 20 Bộ luật lao động 2012 có quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động bao gồm: “1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. 2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”.
Căn cứ vào quy định trên thì việc người sử dụng lao động yêu cầu bạn phải nộp một khoản tiền đặt cọc là 15 triệu để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng lao động là hoàn toàn trái với quy định của bộ luật lao động 2012 vì luật quy định người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng. Biện pháp bảo đảm ở đây có thể là đặt cọc, thế chấp... bằng tiền hoặc tài sản khác của bạn để bạn có thể có được công việc đấy hoặc để được nhận vào làm việc và được ký hợp đồng. Tất cả các hành vi trên đều là trái với quy định tại khoản 2 điều 20 của Bộ luật lao động 2012.
Về trường hợp khi bạn chấm dứt hợp đồng và đòi lại tiền đặt cọc người sử dụng không trả.
Căn cứ vào điểm d, khoản 1 điều 36 Bộ luật lao động 2012 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp: “d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động”.
Điểm này được giải thích cụ thể tại khoản 2 điều 11 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP như sau: “2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tạiĐiểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao độngtrong các trường hợp sau đây: a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn; b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc; c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động”.
Như vậy, căn cứ vào quy định này, nếu bạn lấy lý do gia đình để xin đơn phương chấm dứt hợp đồng thì công việc gia đình đấy phải phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 11 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP thì mới được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật và bạn phải thực hiện nghĩa vụ báo trước là 30 ngày trước khi bạn nghỉ việc theo quy định tại điểm b, khoản 2 điều 36 của Bộ luật lao động 2012.
Khi bạn thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo như các quy định ở trên thì bạn không phải bồi thường bất kỳ chi phí nào cho người sử dụng lao động và có quyền được hưởng trợ cấp thôi theo quy định tại điều 48 của Bộ luật lao động nếu bạn làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm được hưởng trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. 2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. 3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.
Còn nếu như bạn mà thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định của luật tức không tuân theo các quy định tại điều 37 của Bộ luật lao động 2012 thì bạn sẽ phải thực hiện bồi thường cho người lao động tương ứng với nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và không được hưởng trợ cấp thôi việc. Nếu bạn vi phạm về thời hạn báo trước (tức là không thực hiện thông báo trước 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn ) thì bạn phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bạn trong những ngày không báo trước theo như quy định tại điều 43 của Bộ luật lao động 2012. Như vậy nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu bạn bồi thường tiền.
“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. 2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước. 3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.
Về khoản tiền bạn đặt cọc trước là 15 triệu bạn có thể làm đơn khiếu nại và yêu cầu họ trả lại số tiền đấy cho bạn. Nếu như họ vẫn không trả bạn có quyền làm đơn khởi kiện đòi lại tài sản và gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện, quận nơi người sử dụng lao động có trụ sở chính để đòi lại số tiền của mình đã đặt cọc vì người sử dụng lao động không có quyền yêu cầu bạn nạp số tiền đó nên bạn hoàn toàn có quyền đòi lại.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận