Có phải trả sổ bảo hiểm y tế khi chấm dứt hợp đồng lao động không?

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Hỏi: Từ lúc ký Hợp đồng (9/2014) tôi không được Phòng nhân sự phổ biến về nội quy kỷ luật lao động với điều khoản không quá 3 tờ kiểm điểm trong 6 tháng vì nghỉ không phép. Đến tháng 3/2015 thì Phòng Nhân sự thông báo sẽ chấm dứt Hợp đồng với tôi bằng điều khoản trên. Nhưng khi tôi đề cập về vấn đề bảo hiểm thì Phòng Nhân sự nói để xem xét lại và bảo tôi vẫn đi làm bình thường. Cho đến 13/05/2015 Phòng Nhân sự lại thông báo với tôi là công ty muốn chấm dứt Hợp đồng cũng với điều khoản trên và hẹn tôi 16/05/2015 lên văn phòng nhận đơn chính thức chấm dứt Hợp đồng lao động còn bảo hiểm thì để công ty giải quyết trả lại sau. Đến ngày hẹn Phòng Nhân sự lại nói với tôi là ngày 11/06/2015 đến nhận tiền lương rồi nhận đơn chấm dứt Hợp đồng lao động còn sổ bảo hiểm thì sau 3 tháng công ty mới trả lại sổ cho tôi. Từ lúc ký Hợp đồng đến nay, công ty có trích tiền lương hàng tháng của tôi để tham gia các bảo hiểm dành cho người lao động theo Hợp đồng lao động nhưng trong suốt thời gian làm việc vừa qua tôi không được cấp thẻ bảo hiểm y tế mà mỗi lần đi khám bệnh tôi phải tự chi trả viện phí cho mình. Luật sư cho tôi hỏi: Công ty cho tôi nghỉ việc vào ngày 18/05/2015 mà không có văn bản chính thức như vậy có đúng không? Việc công ty không thanh toán bảo hiểm như vậy thì tôi phải làm sao? (Nguyễn Thế Anh - Hà Giang)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Về vấn đề công ty ra quyết định nghỉ việc đối với anh (chị)

Mỗi công ty có một bản điều lệ riêng trong đó quy định những nội dung kỷ luật lao động khác nhau. Nếu anh (chị) vi phạm vào điều lệ của công ty thì phải chịu kỷ luật theo điều lệ đó. Thông tin của anh (chị) cung cấp chưa đầy đủ là theo bản điều lệ đó nếu vi phạm điều khoản quá 3 tờ kiểm điểm trong 6 tháng vì nghỉ không phép thì mức xử phạt là gì, cảnh cáo, phạt trừ lương hay buộc thôi việc. Nếu theo quy định của công ty anh (chị) là vi phạm điều khoản quá 3 tờ kiểm điểm trong 6 tháng vì nghỉ không phép sẽ bị buộc thôi việc thì công ty anh (chị) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh (chị).

Về vấn đề bảo hiểm y tế

Theo Khoản 1 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế năm 2008 quy định: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế: "Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là người lao động)".

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Phương thức đóng bảo hiểm y tế: "Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương, tiền công của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế". Như vậy việc mỗi tháng công ty anh (chị) trích tiền lương để đóng các chi phí bảo hiểm là phù hợp với quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 39 Luật bảo hiểm y tế năm 2008: "Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đóng bảo hiểm y tế: 1. Lập hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế. 2. Đóng bảo hiểm y tế đầy đủ, đúng thời hạn. 3. Giao thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế. 4. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu có liên quan đến trách nhiệm thực hiện bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, của đại diện cho người tham gia bảo hiểm y tế khi có yêu cầu của tổ chức bảo hiểm y tế, người lao động hoặc đại diện của người lao động. 5. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế". Vì anh (chị) đã đóng đầy đủ các khoản phí bảo hiểm nên công ty anh (chị) có trách nhiệm giao thẻ bảo hiểm y tế cho anh (chị).Việc công ty anh (chị) không giao thẻ bảo hiểm y tế cho anh (chị) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Về vấn đề thanh toán bảo hiểm

Theo Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: "Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động: 1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. 2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. 3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động. 4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán". Sau thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty anh (chị) có trách nhiệm thanh toán và trả lại sổ bảo hiểm xã hội của anh (chị), trừ trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Như vậy việc công ty anh (chị) thông báo sau 3 tháng mới trả sổ bảo hiểm cho anh (chị) là không phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu quá thời gian quy định mà công ty vẫn chưa trả sổ bảo hiểm cho anh (chị) thì anh (chị) có quyền khởi kiện đến Tòa án.

Về thủ tục khởi kiện

Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 31 Những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án: "Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoà giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở: d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;". Trong trường hợp công ty không trả lại sổ bảo hiểm cho anh (chị) trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động, anh (chị) có thể làm đơn kiến nghị đến Hòa giải viên lao động cấp quận, huyện nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu được hòa giải hoặc làm đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện để được thụ lý giải quyết.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.