-->

Chủ thể tham gia hộ kinh doanh, những điểm cần lưu ý

Nhằm giúp các hộ kinh doanh hiểu rõ các chủ thể tham gia của loại hình này, Công ty Luật TNHH Everest đưa ra những đặc điểm pháp lý cần thiết giúp cá nhân hoặc hộ gia đình tiếp cận và có cái nhìn tổng quan về loại hình đang hoạt động.

Hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh phổ biến và xuất hiện từ rất sớm. Cho đến nay, hình thức này vẫn khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế và luôn là sự lựa chọn phù hợp cho những nhà đầu tư có nhu cầu kinh doanh ở quy mô nhỏ.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Quy định của pháp luật về hộ kinh doanh.

Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ vào ngày 14/9/2015 đã thay thế Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng kí doanh nghiệp về việc bổ sung một cách chính xác trong việc định nghĩa những chủ thể nào được quyền tham gia hình thức này, tránh tình trạng chung chung và mơ hồ như các định nghĩa trước đó. Cụ thể tại Điều 66 của Nghị định nêu rõ:

"Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh"


Từ nghị định nêu trên, phạm vi của các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh được mở rộng nhưng vẫn bao gồm 3 đối tượng chính là cá nhân, hộ gia đình và nhóm người


Một là, cá nhân tham gia hộ kinh doanh
.

Hộ kinh doanh do một cá nhân thành lập thực chất là cá nhân kinh doanh. Cá nhân này là chủ sở hữu duy nhất đồng thời là người quyết đinh mọi vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh: quyết định việc đăng kí kinh doanh, thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc chấm dứt sự tồn tại của hộ kinh doanh, về mặt tài chính, cá nhân là chủ hộ cũng sẽ là người duy nhất được hưởng toàn bộ lợi nhuận thu được, cũng như chịu trách nhiệm với mọi nghĩa vụ tài chính, mọi rủi ro phát sinh từ hoạt động của hộ kinh doanh.


Từ trước đến nay, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép cá nhân là công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự được làm chủ hộ kinh doanh. Còn đối tượng là cá nhân nước ngoài hiện nay vẫn chưa được phép thực hiện kinh doanh dưới hình thức này. Trên thực tế, đã có những vụ việc chuyển nhượng hộ kinh doanh như: các quán cà phê, quán ăn... (đăng kí hình thức hoạt động là hộ kinh doanh) cho người nước ngoài, nhưng sau đó họ phải đăng kí mới với một hình thức khác mà không được tiếp tục thực hiện ở hình thức hộ kinh doanh. Đây là một điểm khác biệt so với quy định về các hình thức kinh doanh khác, và cũng là một điểm rất đặc trưng phù hợp với bản chất vổn có của hộ kinh doanh tại Việt Nam.


Hai là, hộ gia đình tham gia hộ kinh doanh


Hộ gia đình là một đơn vị xã hội bao gồm nhiều thành viên cùng sống trong một gia đình. Chủ thể này vẫn luôn là nòng cốt gắn liền với chính sách phát triển hộ kinh doanh của Nhà nước ta trong nhiều giai đoạn. Để tham gia vào hoạt động kinh tế nói chung và thiết lập hộ kinh doanh nói riêng, các thành viên trong hộ gia đình phải có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động trong ngành sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực kinh doanh khác do pháp luật quy định. Hộ gia đình sẽ phải cử ra một người đại diện hợp pháp gọi là chủ hộ. Người đại diện này sẽ thay mặt hộ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cả căn hộ. Nhưng mọi lợi nhuận và rủi ro vẫn sẽ chia cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình theo thỏa thuận mà họ đã thiết lập với nhau. Mặc dù pháp luật không đề cập đến, nhưng vì hộ gia đình là một đơn vị xã hội mang bản sắc riêng của mỗi quốc gia nên chúng ta có thể hiểu hộ gia đình tham gia hộ kinh doanh phải là hộ gia đình Việt Nam được thiết lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.


Ba là, nhóm người tham gia hộ kinh doanh


Chủ thể này mới được phép tham gia thành lập hộ kinh doanh từ sau khi Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh ra đời. Sự tham gia của họ đã phần nào làm giảm đi tính cá thể, tính hộ gia đình trong bản chất của hộ kinh doanh và làm tính hội nhập cho hệ thống này. Chủ thể là nhóm người không có mối quan hệ đặc biệt như hộ gia đình mà đó là tập hợp của nhiều cá nhân, có chung mục tiêu, cung nhau góp vốn, góp sức để thực hiện hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh. Theo quy định của pháp luật hiện hành, những cá nhân này phải là công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Cũng giống như hộ gia đình, để hộ kinh doanh có thể hoạt động được, các thành viên trong nhóm có thể cử ra một người làm đại diện để thay mặt tất cả các thành viên, nhân danh hộ kinh doanh trong mối quan hệ với Nhà nước và với các khách hàng, đối tác..Tuy nhiên mọi lợi nhuận, trách nhiệm, rủi ro phát sinh từ hoạt động của hộ kinh doanh cũng sẽ được chia cho tất cả các thành viên trong nhóm theo thỏa thuận mà họ xác lập.

Luật gia Trần Mỹ Hạnh - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].