Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu/ tối đa khi thành lập công ty. Tuy nhiên, nếu đăng ký vốn điều lệ quá thấp thì doanh nghiệp sẽ không thể hiện được tiềm lực tài chính của công ty...
Thứ nhất, quy định của pháp luật về vốn điều lệ.
Khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định : "Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty TNHH, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.". Nói một cách đơn giản thì vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định để thành lập công ty.
Thứ hai, mức vốn điều lệ tối thiểu
Pháp luật Doanh nghiệp không quy định bắt buộc mức vốn điều lệ tối thiểu.
Lưu ý: Đối với một số lĩnh vực đặc biệt yêu cầu vốn pháp định thì mức vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định.
Thứ ba, vai trò, ý nghĩa của vốn điều lệ đối với doanh nghiệp được thành lập.
(i) Là vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; (ii) Là cơ sở để phân chia lợi nhuận, rủi ro trong kinh doanh đối với các thành viên góp vốn; (iii) Thể hiện tính bền vững, phát triển của doanh nghiệp từ đó tạo sự tin tưởng cho đối tác, chủ nợ, mở ra cơ hội phát triển kinh doanh.
Thứ tư, những điểm doanh nghiệp cần lưu ý.
(i) Quy mô vốn điều lệ thể hiện sự bền vững và phát triển của doanh nghiệp, bởi vậy không nên đăng ký vốn điều lệ quá thấp, điều này có khả năng sẽ làm hạn chế cơ hội hợp tác hoặc vay vốn kinh doanh của doanh nghiệp sau này.
(ii) Vốn điều lệ ảnh hưởng đến tỉ lệ phân chia lợi nhuận và rủi ro của các thành viên trong doanh nghiệp, do đó việc góp vốn cần phải được thực hiện chặt chẽ, rõ ràng ngay từ thời điểm ban đầu.
Kiến nghị: Lập hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp với các điều khoản chặt chẽ trước khi tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.
(iii) Vốn điều lệ thể hiện trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp nói chung (hay mỗi thành viên nói riêng), do đó không nên đăng ký vốn quá cao vì khi đó trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp cũng cao tương ứng.
(iv) Vốn điều lệ là căn cứ để tính thuế môn bài cho doanh nghiệp. Vốn điều lệ càng cao thì mức thuế môn bài càng lớn.
Thứ năm, phân biệt vốn điều lệ và vốn pháp định.
Trong mỗi doanh nghiệp có thể chỉ có vốn điều lệ mà không có vốn pháp định, những cũng có thể vừa có cả vốn pháp định và vốn điều lệ.
(i) Điểm giống nhau: Vốn điều lệ và vốn pháp định đều là số vốn ban đầu do các nhà đầu tư bỏ ra để cùng góp vào công ty làm vốn sản suất kinh doanh của công ty.
(ii) Điểm khác nhau:
- Về khái niệm:
Vốn điều lệ: là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Vốn pháp định: là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập công ty do pháp luật quy định đối với một số ngành nghề.
- Cơ sở xác định:
Vốn điều lệ được xác định theo loại hình doanh nghiệp còn vốn pháp định lại không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà được xác định theo ngành nghề kinh doanh cụ thể.
Khi một doanh nghiệp được thành lập phải có vốn điều lệ, vốn điệu lệ có thể tăng giảm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Còn mức vốn pháp định là cố định, được doanh nghiệp tạo lập ngay khi đăng kí ngành nghề kinh doanh mà pháp luật quy định phải có vốn pháp định.
- Về ý nghĩa:
Vốn điều lệ là sự cam kết mức trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với khách hàng, đối tác, cũng như đối với doanh nghiệp, hợp tác xã. Vốn điều lệ là vốn đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã và là cơ sở để phân chia lợi nhuận cũng như rủi ro trong kinh doanh đối với các thành viên góp vốn.
Việc quy định vốn pháp định nhằm đảm bảo khả năng thực tiễn và mục đích kinh doanh chân chính của doanh nghiệp cũng như bảo hộ quyền lợi của những tổ chức và cá nhân có mối quan hệ với doanh nghiệp, vốn pháp định khác nhau đối với các loại hình tổ chức kinh doanh khác nhau về tổ chức và quy mô kinh doanh, việc quy định vốn pháp định phải thể hiện bằng số tiền tuyệt đối.
- Về mức vốn:
Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu/ tối đa khi thành lập công ty. Tuy nhiên, nếu đăng ký vốn điều lệ quá thấp thì sẽ không thể hiện được tiềm lực tài chính của công ty, nhưng nếu đăng ký vốn điều lệ quá cao so với số vốn thực có sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện sổ sách kế toán, thực hiện nghĩa vụ tài chính…
Luật gia Nguyễn Thị Bích Phượng - Tổ Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi những ý kiến này có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận