Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính, mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính.
1. Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính
Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính, mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính. Như vậy, điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính là các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó phải có năng lực chủ thể phù hợp với quan hệ pháp luật hành chính mà họ tham gia.Xét về mặt thuật ngữ, năng lực chủ thể là khả năng pháp lí của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể của quan hệ đó. Tuỳ thuộc vào tư cách của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, mà năng lực chủ thể của họ có những điểm khác nhau về nội dung, thời điểm phát sinh và các yếu tố chi phối.
Nhìn chung, năng lực chủ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được xem xét ở những khía cạnh chủ yếu sau:
- Năng lực chủ thể của cơ quan nhà nước phát sinh khi cơ quan đó được thành lập và chấm dứt khi cơ quan đó bị giải thể.
- Năng lực chủ thể của tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế, đơn vị vũ trang, đơn vị hành chính - sự nghiệp... (gọi chung là tổ chức) phát sinh khi nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó trong quản lí hành chính nhà nước và chấm dứt khi không còn những quy định đó hoặc tổ chức bị giải thể.
Do không có chức năng quản lí nhà nước nên các tổ chức nêu trên thường tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể thường. Cá biệt trong một số trường hợp, khi được nhà nước trao quyền quản lí hành chính nhà nước đối với một số công việc cụ thể, các tổ chức này có thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể đặc biệt.
- Năng lực chủ thể của cá nhân được biểu hiện trong tổng thể năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi hành chính.
Năng lực pháp luật hành chính của cá nhân là khả năng cá nhân được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lí hành chính nhất định do Nhà nước quy định. Năng lực pháp luật hành chính của cá nhân là thuộc tính pháp lí hành chính phản ánh địa vị pháp lí hành chính của các cá nhân.
Do năng lực pháp luật hành chính của cá nhân hoàn toàn tuỳ thuộc vào những quy định cụ thể của pháp luật nên năng lực này sẽ thay đổi khi pháp luật thay đổi và có thể bị Nhà nước hạn chế trong một số trường hợp. Ví dụ: Người phạm tội có thể bị toà án áp dụng hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Năng lực hành vi hành chính của cá nhân là khả năng của cá nhân được Nhà nước thừa nhận mà với khả năng đó họ có thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí hành chính đồng thời phải gánh chịu những hậu quả pháp lí nhất định do những hành vi của mình mang lại.
Tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung của từng loại quan hệ pháp luật hành chính cụ thể mà Nhà nước đòi hỏi cá nhân phải đáp ứng những điéu kiện nhất định về độ tuổi, tình trạng sức khoe, trình độ 'đào tạo, khả năng tài chính... khi tham gia vào quan hộ đó. Việc quy định các điều kiện trên là cần thiết để bảo dảm hiệu lực của quản lí hành chính nhà nước và đe cao trách nhiệm của các cá nhân trong quan hệ pháp luật hành chính.
Tuỳ thuộc vào tính chất và nội dung của các loại quan hệ pháp luật hành chính cụ thể mà pháp luật có thể quy định độ tuổi tối thiểu hay tối đa để xác định năng lực hành vi hành chính của cá nhân. Ví dụ: Cá nhân phải từ đủ 14 tuổi trở lên mới có thể bị xử phạt vi phạm hành chính; công dân từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mới có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Ngoài độ tuổi, tình trạng sức khoẻ là điều kiện phổ biến để xác định năng lực hành vi hành chính của cá nhân theo nguyên tắc: Người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không có năng lực hành vi hành chính đối với mọi loại quan hệ pháp luật hành chính.
Trình độ đào tạo, khả năng tài chính cũng là điều kiện xác định năng lực hành vi hành chính của cá nhân đối với một số loại quan hệ pháp luật hành chính nhất định. Ví dụ: Công dân Việt Nam phải có trình độ cử nhân luật mới được tuyển chọn và bổ nhiệm làm thẩm phán; cá nhân phải có một số lượng vốn nhất định mới được thành lập doanh nghiệp mà pháp luật đòi hỏi phải có vốn pháp định.
Như vậy, đối với cá nhân thì thời điểm phát sinh năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi hành chính không giống nhau. Mặt khác, năng lực hành vi hành chính của cá nhân không chỉ phụ thuộc vào khả năng thực tế của cá nhân, mà nhiều khi còn phụ thuộc vào cách thức Nhà nước thừa nhận khả năng thực tế đó. Nhà nước có thể mặc nhiên thừa nhận năng lực hành vi hành chính của cá nhân khi họ có đủ những điều kiện nhất định hoặc thông qua những hành vi pháp lí cụ thể để thừa nhận năng lực đó. Ví dụ: Người từ đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự. Tuy nhiên, năng lực hành vi hành chính của các cá nhân này trong việc điéu khiển các loại xe nêu trên không mặc nhiên phát sinh khi họ đủ 18 tuổi mà năng lực này chỉ được Nhà nước thừa nhận khi họ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe phù hợp với các loại xe đó.
2. Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính
Trong quản lí hành chính nhà nước, các lợi ích trực tiếp thúc đẩy các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính rất đa dạng. Chúng có thể là lợi ích của Nhà nước hay quyền lợi chính đáng của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, các lợi ích đó chỉ được bảo đảm nếu chúng phù hợp với các trật tự quản lí hành chính nhà nước.Pháp luật hành chính xác lập và bảo vệ các trật tự quản lí hành chính nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và định hướng quản lí hành chính nhà nước trong từng giai đoạn phát triển của đất nước trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, quyền lợi chính đáng của các cá nhân, tổ chức.
Từ những nhận định trên có thể thấy cho dù những lợi ích trực tiếp thúc đẩy các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính có đa dạng đến đâu thì khách thể chung của các quan hệ pháp luật hành chính vẫn là các trật tự quản lí hành chính nhà nước.
Tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực phát sinh, các quan hệ pháp luật hành chính sẽ có những khách thể là trật tự quản lí hành chính nhà nước tương ứng với lĩnh vực đó. Ví dụ: Các quan hệ pháp luật hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo đều có chung khách thể là trật tự quản lí hành chính nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bài viết được thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, Giảng viên khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Hòa Bình
- Giới thiệu về Công ty Luật TNHH Everest
- Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest
- Hoạt động vì cộng đồng của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest quaTổng đài tư vấn pháp luật19006198, E-mail:[email protected],[email protected].
Bình luận