-->

Chia di sản thừa kế cho con riêng và con chung như thế nào ?

Nếu như ông bà bạn không lập di chúc thì di sản của ông bà bạn sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 675.

Hỏi: Hiện nay ông bà ngoại của tôi đang có ý định phân chia đất cho các các cậu và của tôi.Nhưng tình hình gia đình tôi là như thế này : Bà ngoại của tôi có 2 đời chồng. Đời chồng trước, ngoại tôi có 2 người con là mẹ tôi và dì.Ông ngoại (người chồng sau) có 2 người con riêng.Hiện tại ông bà ngoại tôi có 4 người con chung.(tính tổng cộng con riêng và con chung là có 8 người). - Bây giờ, chia đất mà ông bà tôi đang đứng tên thì 8 người con có được hưởng quyền như nhau hay không,hay phụ thuộc vào quyết định phân chia của ông bà ngoại? - Nếu Mẹ tôi, dì ( con trước của bà ngoại) và 2 người con riêng của ông ngoại không tranh giành về phần được hưởng từ đất của ông bà ngoại thì cần làm thủ tục gì? (Như Ngọc - Hà Nội)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về việc chia di sản thừa kế cho con chung và con riêng:

Bộ luật dân sự 2005 thừa nhận có 2 trường hợp thừa kế, đó là: Thừa kế theo di chúc; thừa kế theo pháp luật

Xét trong trường hợp của bạn, nếu ông bà bạn có lập di chúc chia đều khối tài sản của mình cho 8 người con hoặc chia cho người nào nhiều hơn, người nào ít hơn, người nào không được chia thì 8 người này sẽ được hưởng nguyên như trong di chúc. Vì theo Điều 646 Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Bên cạnh đó Điều 648 cũng quy định người lập di chúc có quyền:

"1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản".

Tuy nhiên, trong trường hợp Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động mà không được hưởng thừa kế hoặc chỉ được hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó thì họ sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 - Điều 669 BLDS 2005.

Nếu như ông bà bạn không lập di chúc thì di sản của ông bà bạn sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 675.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 676 như sau:

"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

Như vậy, di sản do ông bà bạn để lại sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bà bạn, do đó 8 người con có quyền hưởng thừa kế ngang nhau đối với di sản của ông bà bạn.

Thứ hai, về trình tự khai nhận di sản thừa kế:

Theo như thông bạn cung cấp nếu Mẹ bạn, dì (con trước của bà ngoại) và 2 người con riêng của ông ngoại không tranh giành về phần được hưởng từ đất của ông bà ngoại thì cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo Điều 58 khoản 1 Luật Công chứng 2014: “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”. Thủ tục cụ thể như sau:

1. Những hồ sơ cần phải chuẩn bị để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế

a) Giấy tờ chung:

  • Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản;
  • Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm, Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận cổ phần,…;
  • Giấy tờ về nhân thân của người thừa kế: CMND, hộ khẩu;

b) Trường hợp có di chúc và di chúc ghi rõ cách phân chia tài sản, bạn cần cung cấp thêm: Di chúc
c) Trường hợp không có di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không ghi rõ cách phân chia di sản, bạn cần cung cấp thêm:

  • Tờ tường trình và cam kết về quan hệ nhân thân
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người thừa kế theo pháp luật với người để lại di sản trường hợp không có di chúc: hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu;

2. Thủ tục thực hiện khai nhận thừa kế

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản. Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Các đồng thừa kế có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (Điều 57 Luật Công chứng 2014) hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (Điều 58 Luật Công chứng 2014). Sau khi công chứng văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.