NLĐ đã nghỉ hưởng chế độ hưu trí, khi tiếp tục giao kết HĐLĐ, thì không phải tham gia BHXH nữa, mà các khoản tiền BHXH sẽ được công ty chi trả vào tiền công, tiền lương hàng tháng.
Theo khoản 1 Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH): Người lao động đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu trong trường hợp nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên.
Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) quy định: Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của BLLĐ (1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; 2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 187).
Căn cứ các quy định pháp luật trên, đối chiếu thông tin ông cung cấp, ông 52 tuổi, đã làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí do suy giảm khả năng lao động, do đó, ông thuộc đối tượng người lao động cao tuổi khi giao kết hợp đồng lao động mới.
Điều 1 Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26.5.2009 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22.9.2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9.5.2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động (HĐLĐ) quy định: HĐLĐ giao kết với người đang hưởng lương hưu hàng tháng và người làm việc có thời hạn dưới 3 tháng thì ngoài phần tiền lương theo công việc, người lao động còn được người sử dụng lao động thanh toán khoản tiền tính theo tỉ lệ phần trăm (%) so với tiền lương theo HĐLĐ, gồm: a) BHXH: Từ ngày Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành đến tháng 12.2009 là 15%; từ tháng 1.2010 đến tháng 12.2011 là 16%; từ tháng 1.2012 đến tháng 12.2013 là 17%; từ tháng 1.2014 trở đi là 18%; b) Bảo hiểm y tế 2%. Khi Chính phủ quy định tăng mức đóng bảo hiểm y tế đối với người sử dụng lao động thì thực hiện theo quy định của Chính phủ; c) Nghỉ hàng năm 4%; d) Tiền tàu xe đi lại khi nghỉ hàng năm do hai bên thỏa thuận trong HĐLĐ.
Như vậy, trong trường hợp ông đã nghỉ hưởng chế độ hưu trí, khi tiếp tục giao kết HĐLĐ, thì ở giai đoạn này, ông không phải tham gia BHXH nữa, mà các khoản tiền BHXH sẽ được công ty chi trả vào tiền công, tiền lương hàng tháng của ông.
Theo Báo Lao Động, ngày 17/10/2013
Bình luận