Chế định công ty cổ phần - những thay đổi của Luật Doanh nghiệp năm 2014

Luật sư tư vấn về những thay đổi về cơ cấu tổ chức quản lý, người đại diện theo pháp luật, những điều kiện để triệu tập, tiến hành các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và một số thay đổi khác của chế định công ty cổ phần của Luật Doanh nghiệp năm 2014 so với Luật năm 2005.

Chế định công ty cổ phần tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thay đổi, bổ sung nhiều quy định mới, trên cơ sở kế thừa nến tảng từ Luật Doanh nghiệp năm 2005. Những thay đổi này được đánh giá có nhiều thuận lợi hơn khi thành lập doanh nghiệp, quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vừa hỗ trợ quản lý Nhà nước. Những thay đổi này đã phần nào giúp cho những nhà kinh doanh có bước khởi đầu tốt hơn khi quyết định thành lập công ty cổ phần.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198   Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần.

-
Cơ cấu tổ chức quản lý:

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần như sau:
"1. Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác: a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát; b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty" (khoản 1 Điều 134).

Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty cổ phần được chọn một trong hai mô hình sau để quản lý và hoạt động sau: (i)
Mô hình thứ nhất gồm có Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát và Tổng Giám đốc hay Giám đốc; (ii) Mô hình thứ hai gồm ĐHĐCĐ, HĐQT có ít nhất 20% số thành viên của HĐQT là những thành viên độc lập và sẽ có Ban Kiểm toán nội bộ thuộc HĐQT, và Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc. Các thành viên của ban HĐQT sẽ độc lập thực hiện những chức năng giám sát, tổ chức và thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành trong công ty, họ không tham gia trực tiếp vào hoạt động điều hành của công ty Cổ phần.

- Người đại diện theo pháp luật:

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần như sau: "Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty" (khoản 2 Điều 134).

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, công ty cổ phần chỉ có một người đại diện theo pháp luật, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo cơ hội cho công ty cổ phần chủ động trong việc lựa chọn người đại diện pháp luật và đổi mới hơn là có thể có từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên. Trong đó, Chủ tịch HĐQT và Giám đốc hoặc Tổng Giám Đốc sẽ là những người đại diện pháp luật đương nhiên, trong điều lệ công ty cần quy định rõ.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã điều chỉnh và bổ sung thêm một số quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các chức danh của ĐHĐCĐ, HĐQT; quy định thêm về cơ cấu, tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ cũng như những điều kiện để trở thành thành viên. Đặc biệt, HĐQT có quyền tự bầu hoặc miễn nhiệm, cách chức đối với chủ tịch HĐQT.

Thứ hai, về những điều kiện để triệu tập, tiến hành các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông như sau:

"1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
3. Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
4. Chỉ có Đại hội đồng cổ đông mới có quyền quyết định thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp theo quy định tại Điều 139 của Luật này"
(Điều 141).

Như vậy, để tiến hành một cuộc họp ĐHĐCĐ, trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định cụ thể: số cổ đông dự họp đại diện lần triệu tập thứ nhất phải ít nhất 51% trong tổng số phiếu, lần triệu tập thứ hai phải đạt 33% tổng số phiếu biểu quyết, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, các tỷ lệ đó lần lượt là 75% và 50%.

Tùy thuộc vào từng vấn đề được thông qua mà tỷ lệ tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành được giảm từ 65-75% xuống còn 51-65%. Trường hợp nghị quyết của HĐTV được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì phải có số thành viên sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ tán thành thay vì 75% như quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Hơn thế nữa luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã có quy định mở hơn về việc ứng dụng công nghệ trong các cuộc họp. Nhờ thế, các cổ đông có thể tham dự và biểu quyết qua hội nghị trực tuyến, gửi thư, thư điện tử, fax….hình thức cụ thể như thế nào sẽ được ghi rõ trong Điều lệ công ty

Với các thay đổi mang tính bước ngoạt, doanh nghiệp cần phải điều chỉnh, bổ sung điều lệ hoạt động và phải được thông qua bởi ĐHĐCĐ theo đúng quy định cụ thể. Do vậy, doanh nghiệp phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ để phản ánh và hiện thực hóa các quy định mới này trong thực tế.

Luật gia Nguyễn Thị Bích Phượng - Phòng Tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài tư vấn 1900 6198,
tổng hợp

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.