Với tính chất thường trực của Hội đồng quản trị thì những quy định về giới hạn trách nhiệm của Hội đồng quản trị là hết sức quan trọng, để tránh việc Hội đồng quản trị bị lợi dụng để phục vụ cho những nhóm lợi ích trong công ty.
Là cơ quan quản lý công ty, Hội đồng quản trị (HĐQT) có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).
Với tính chất thường
trực quan trọng như vậy, nên những quy định về giới hạn trách nhiệm của
HĐQT là hết sức quan trọng, để tránh việc HĐQT bị lợi dụng để phục vụ
cho những nhóm lợi ích trong công ty.
Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của HĐQT theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Với tư cách là cơ quan thường trực của ĐHĐCĐ trong năm tài chính, nhiệm kỳ và số lượng thành viên HĐQT được quy định như sau:"1. Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị. 2. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Số lượng, thời hạn cụ thể của nhiệm kỳ, số thành viên Hội đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định." (khoản 1, 2 Điều 150 Luật Doanh nghiệp năm 2014)
Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị. HĐQTcó đầy đủ quyền và nhiệm vụ liên quan đến mọi mặt hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty, từ quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hàng năm; chào bán cổ phần; mua lại cổ phần; phương án và dự án đầu tư; giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty; đến việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc/tổng giám đốc; kiến nghị chia cổ tức; tổ chức lại, giải thể, phá sản công ty.
Thứ hai, cơ chế thực hiện quyền của HĐQT.
Để thực hiện quyền lực nói trên theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, HĐQT thông qua nghị quyết bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do điều lệ công ty quy định. Mỗi thành viên HĐQT có một phiếu biểu quyết. Với công ty đại chúng, niêm yết, trong thành phần HĐQT được quy định có tối thiểu 1/3 là thành viên độc lập để nâng cao sức mạnh quản trị công ty.
Theo quy định khoản 1, Điều 152, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: "1. Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác."
Tuy nhiên, giới hạn trách nhiệm khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ của HĐQT là phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, điều lệ công ty và nghị quyết của ĐHĐCĐ.
"4. Khi thực hiện chức năng, quyền và nghĩa vụ của mình, Hội đồng quản trị tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp nghị quyết do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất 01 năm có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị đình chỉ thực hiện nghị quyết nói trên." (khoản 4, Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Thứ ba, HĐQT phục vụ cho lợi ích của ai?
HĐQT chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động của công ty tuân thủ pháp luật, tuân thủ điều lệ và các quy định nội bộ của công ty, đối xử bình đẳng đối với tất cả cổ đông và tôn trọng lợi ích của người có quyền lợi liên quan đến công ty.
Là cơ quan quản lý công ty và được bầu ra với kỳ vọng và vì lợi ích của tất cả cổ đông, nhưng thực tế tại nhiều công ty, HĐQT đang đóng 3 vai: vừa nắm quyền đại diện cổ đông lớn/đa số, vừa quản lý công ty, vừa kiểm soát cả ban kiểm soát (BKS). Với quy định về thành viên HĐQT độc lập ở công ty đại chúng, niêm yết, hiện nhiều công ty không đáp ứng được hoặc nếu có thì vai trò của thành viên này rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là chỉ “ tồn tại trên giấy” vì bị chi phối bởi cổ đông/nhóm cổ đông lớn hoặc có quyền phủ quyết các nghị quyết của cả HĐQT và ĐHĐCĐ.
Chính vì quyền lực lớn như vậy, nên trong nhiều trường hợp và tại nhiều Công ty cổ phần (bao gồm cả công ty đại chúng, niêm yết), HĐQT bị chi phối, kiểm soát mạnh và phục vụ cho lợi ích của cổ đông đa số tại công ty.
Bài viết có sử dụng một số thông tin tham khảo từ bài viết: "HĐQT: Giới hạn trách nhiệm đến đâu?" tại Báo Đầu tư Online đăng ngày 02/09/2013: Http://baodautu.vn/hdqt-gioi-han-trach-nhiem-den-dau-d3918.html
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Trưởng nhóm tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận