Người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp NLĐ vi phạm
Hỏi: Khi vào làm việc, Công ty yêu cầu tôi ký cam kết: Nếu thôi việc, trong thời hạn 24 tháng không được thành lập công ty (Điều 1) hoặc vào làm việc cho công ty hoạt động cùng lĩnh vực (Điều 2). Nếu vi phạm Điều 1 thì truy tố pháp luật, vi phạm Điều 2 thì bị xử phạt 100 triệu đồng. Đề nghị luật sư tư vấn, yêu cầu của công ty có đúng luật không? (Việt Hòa). Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
- Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định:
“1. NLĐ có các quyền sau đây: a) Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử” (điểm a khoản 1 Điều 5)
“Khi NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp NLĐ vi phạm” (khoản 2 Điều 23).
- Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định quyền của doanh nghiệp: “1. Tự chủ kinh doanh…” (khoản 1 Điều 8).
- Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung (BLHS) quy định:
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: “1. Người nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm…” (Điều 171).
Căn cứ các quy định chúng tôi viện dẫn trên, trường hợp một người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được quy định tại Điều 171 BLHS phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này (mà không cần các bên thỏa thuận).
Người sử dụng lao động có quyền: “thỏa thuận bằng văn bản về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp NLĐ vi phạm” với NLĐ thuộc đối tượng “làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ” nhưng phải “theo quy định của pháp luật”. Nếu NLĐ không thuộc đối tượng này thì thỏa thuận hoặc cam kết liên quan có thể coi là vi phạm quyền “tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp” của NLĐ hoặc quyền “tự chủ kinh doanh” của doanh nghiệp.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận