Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.
Khái niệm - Theo BLDS Điều 216 khoản 1, sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Các nguyên nhân làm hình thành sở hữu chung theo phần khá đa dạng như hai người cùng mua một tài sản; một người bán hoặc tặng cho một người khác một phần quyền sở hữu tài sản của mình; nhiều người cùng thừa kế một di sản; một công ty đã giải thể và tài sản công ty đang chờ được phân chia giữa các thành viên;... Ở nước ta, sở hữu chung theo phần đối với di sản chưa chia là hình thức sở hữu chung rất phổ biến, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và đạo đức.
Thứ nhất, thành phần cấu tạo của khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần
Khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần bao gồm tài sản có chung và tài sản nợ chung của tất cả các chủ sở hữu chung.
Tài sản có
Khối tài sản có thuộc sở hữu chung theo phần không bất biến, cũng không khép kín. Thế nhưng không giống như khối tài sản chung của vợ, chồng (gia tăng nhờ các tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân), khối sở hữu chung theo phần không thể sáp nhập các tài sản mà một chủ sở hữu chung tạo ra trong thời kỳ tồn tại của sở hữu chung; mà đó là tài sản riêng của người này. Vấn đề được đặt ra ở đây là khi tài sản thuộc sở hữu chung được chuyển nhượng hoặc có hoa lợi, lợi tức phát sinh thì giá trị chuyển nhượng cũng như phần hoa lợi, lợi tức đó sẽ được xác định chủ sở hữu như thế nào.
Chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu chung
Vấn đề sẽ không có gì bàn cãi khi số tiền thu được từ việc chuyển nhượng được chia cho các
chủ sở hữu, khi đó sở hữu chung theo phần sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, nếu số tiền này không được chia cho các chủ sở hữu chung mà dùng để mua một tài sản khác thì vấn đề trở nên
phức tạp hơn. Ta có thể đặt giả thiết thành nhiều trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: việc mua tài sản được thực hiện bởi tất cả các chủ sở hữu chung hoặc bởi một chủ sở hữu chung hành động với tư cách người được uỷ quyền của cộng đồng các chủ sở hữu chung theo phần - Rõ ràng tài sản mua được trong trường hợp này sẽ là của chung. Vấn đề đặt ra là tài sản đó là đối tượng của một quan hệ sở hữu chung theo phần độc lập hay chỉ thế chỗ cho số tiền chuyển nhượng trong tập hợp các tài sản vốn đã thuộc sở hữu chung theo phần của những người chuyển nhượng? Vấn đề này có thể được lý giải theo hai cách:
- Cách thứ nhất - Ta thừa nhận rằng các chủ sở hữu chung theo phần đã tiến hành phân chia số tiền chuyển nhượng tài sản, ngay sau đó góp lại phần của mỗi người để mua tài sản mới. Vậy, tài sản mua được là đối tượng của một quan hệ sở hữu chung theo phần mới được xác lập. Nếu khối sở hữu chung theo phần trước đây vẫn còn tài sản, thì khối sở hữu chung theo phần mới được xác lập tồn tại độc lập với khối sở hữu chung theo phần sẵn có.
- Cách thứ hai - Ta nói rằng các chủ sở hữu chung theo phần không phân chia số tiền chuyển nhượng tài sản, mà đã nhất trí dùng số tiền đó để mua một tài sản khác. Vậy, nên xem việc mua tài sản là hình thức thay thế một tài sản chung này bằng một tài sản chung khác; không có sự thành lập một khối sở hữu chung mới, mà trước sau chỉ có một khối sở hữu chung với thành phần cấu tạo có thay đổi.
Trường hợp thứ hai: việc mua tài sản chỉ được thực hiện bởi một chủ sở hữu chung mà không có uỷ quyền của những người đồng sở hữu chung khác - Nếu những người có quyền sở hữu chung đồng ý để cho người mua giao kết và thực hiện việc mua tài sản, thì tài sản mua, đối với cộng đồng các chủ sở hữu chung theo phần, là tài sản chung; cũng như vậy, một khi những người có quyền sở hữu chung theo phần không đồng ý, nhưng không phản đối, và người mua tự coi mình như người được uỷ quyền mặc nhiên (hoặc người thực hiện công
việc mà không có uỷ quyền) của cộng đồng các chủ sở hữu chung theo phần, để mua tài sản.
Trường hợp thứ ba: tài sản mua thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu - Ý nghĩa của việc đăng ký quyền sở hữu tài sản chưa được xác định rõ trong luật thực định Việt Nam, tuy nhiên có thể ghi nhận xu hướng rõ nét của luật (và cả của thực tiễn) luôn coi việc đăng ký như là phương tiện thiết lập các bằng chứng không thể tranh cãi về quyền sở hữu đối với tài sản liên quan. Trước khi luật chính thức thừa nhận rằng người đăng ký quyền sở hữu tài sản là người duy nhất có quyền sở hữu đối với tài sản đó, trong khung cảnh hiện tại của thực tiễn áp dụng pháp luật, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và thuộc sở hữu chung theo phần vẫn còn có thể được đăng ký theo tên người đại diện.
Trường hợp thứ tư: mua bán hàng hoá thuộc sản nghiệp thương mại - Hàng hoá thuộc sản nghiệp thương mại được mua và bán theo chế độ riêng được xây dựng trong khuôn khổ pháp luật thương mại.
Theo BLDS Điều 222 khoản 1, mỗi chủ sở hữu chung theo phần hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ta có thể hiểu điều luật đó theo một trong hai nghĩa. Một là, hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tạo thành một khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần, độc lập với khối sở hữu chung theo phần gồm có các tài sản gốc, và sẽ được chia cho các chủ sở hữu chung theo phần theo đúng các tỷ lệ phần quyền sở hữu của mỗi người trong khối tài sản gốc chung. Hai là, hoa lợi, lợi tức sẽ được chia ngay sau khi thu hoạch cho các chủ sở hữu chung theo phần theo tỷ lệ phần quyền của mỗi người trong khối tài sản chung. Dù hiểu điều luật vừa dẫn theo nghĩa nào, thì rõ ràng hoa lợi, lợi tức chưa thu hoạch vẫn là một phần không tách rời của tài sản gốc và, do đó, là một bộ phận của khối sở hữu chung theo phần. Nếu toàn bộ khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần được đem chia trong lúc hoa lợi, lợi tức chưa được thu hoạch, thì phần hoa lợi, lợi tức ấy nằm trong khối tài sản chia. Quy tắc này có ý nghĩa rất quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn.
Trên nguyên tắc, các chủ sở hữu theo phần cùng nhau quản lý và sử dụng tài sản chung. Tuy nhiên, pháp luật không cấm các chủ sở hữu chung đạt được một thoả thuận về việc phân chia quyền sử dụng đối với tài sản chung. Người sử dụng và khai thác một tài sản chung có thể hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản mà không phải chia sẻ quyền thụ hưởng đó với các chủ
sở hữu chung khác, nhưng phải có sự thoả thuận rành mạch giữa các chủ sở hữu chung về việc đó. Mặc dù luật viết chưa có điều luật nào chính thức thừa nhận về khoản thù lao của người chủ sở hữu chung quản lý tài sản chung nhưng chúng ta có thể rút ra được nhận xét này gián tiếp qua việc phân tích quy nạp một số điều luật có liên quan. Như vậy, nếu có thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung do mình quản lý, thì người người chủ sở hữu chung đang quản lý tài sản chung chỉ phải trả cho khối sở hữu chung (hoặc cho những người cùng có quyền sở hữu chung khác) phần hoa lợi, lợi tức sau khi trừ đi khoản thù lao mà mình được hưởng.
Chắc chắn rằng, các chủ sở hữu chung theo phần phải được hưởng hoặc phải cùng nhau gánh chịu hệ quả của sự gia tăng hoặc giảm sút giá trị của tài sản chung do nguyên nhân khách quan. Nếu do nguyên nhân chủ quan, thì có thể xảy ra nhiều trường hợp. Nếu do lỗi của mình mà tài sản chung bị giảm sút giá trị, thì chủ sở hữu chung có lỗi phải chịu trách nhiệm dân sự theo luật chung. Nếu sự gia tăng giá trị của tài sản là do hệ quả của việc chủ sở hữu chung thực hiện hành vi sáp nhập một vật phụû, thì tài sản mới tiếp tục thuộc về cộng đồng các chủ sở hữu chung theo phần (BLDS Điều 236 khoản 1) nhưng nếu tài sản đem sáp nhập không thể được xác định đó là vật chính hay vật phụ và việc sáp nhập có sự đồng ý của cộng đồng các chủ sở hữu chung, thì tài sản mới vẫn thuộc sở hữu chung theo phần, song tỷ lệ phần quyền của mỗi chủ sở hữu chung sẽ thay đổi.
Nợ riêng của chủ sở hữu chung - Theo BLDS Điều 224 khoản 2, trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Chủ nợ riêng của một chủ sở hữu chung, trong quá trình tiến hành thủ tục cưỡng chế người mắc nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ không có quyền yêu cầu kê biên tài sản mà người mắc nợ có quyền sở hữu chung cùng với người khác. Trong điều kiện người mắc nợ không còn tài sản riêng, chủ nợ muốn được trả nợ bằng tài sản chung của người mắc nợ chỉ có thể chọn một trong hai cách: yêu cầu phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu bán phần quyền sở hữu của người mắc nợ trong tài sản chung.
Nợ chung của chủ sở hữu chung - Các chủ nợ chung của tất cả các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản chung để thu hồi nợ mà không cần yêu cầu phân chia tài sản chung. Nợ chung của chủ sở hữu chung là nợ ràng buộc tất cả các chủ sở hữu chung, có tính chất liên đới hoặc không liên đới gắn liền với việc quản lý, khai thác tài sản hoặc từ các nguồn gốc khác.
Thứ hai, quản lý tài sản thuộc sở hữu chung theo phần
Như đã nói ở trên, sở hữu chung theo phần đối với di sản chưa chia là hình thức sở hữu chung rất phổ biến trong thực tiễn đời sống ở nước ta. Việc quản lý di sản thuộc sở hữu chung cần phải tuân thủ một số nguyên tắc do luật định cũng như tôn trọng nội dung thỏa thuận của các chủ sở hữu chung của di sản đó.
Các nguyên tắc do luật định
Nguyên tắc nhất trí - Theo BLDS Điều 221, các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, nguyên tắc này sẽ bị loại bỏ trong một số trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích cộng đồng, lợi ích chung của các chủ sở hữu (chẳng hạn như: kiện đòi chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp; bán tài sản dễ hư hỏng; sửa chữa tài sản theo định kỳ; khắc phục sự cố...). Các chủ sở hữu chung không nhất thiết tự mình quản lý tài sản chung. Họ có thể uỷ quyền cho một chủ sở hữu chung (thậm chí một người thứ ba) để quản lý và sử dụng tài sản hoặc để xác lập một giao dịch nào đó liên quan đến tài sản.
Nguyên tắc sử dụng chung - Sử dụng chung một tài sản không thể được hiểu theo nghĩa đen mà có thể hình dung như sau: một chủ sở hữu chung sử dụng tài sản thuộc sở hữu chung và một chủ sở hữu chung khác cũng sử dụng tài sản chung đó. Cả hai người này đều không có độc quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung do mình sử dụng và khai thác. Hoa lợi, lợi tức đó, sau khi trừ giá trị công sức lao động của người sử dụng sẽ thuộc về tất cả các chủ sở hữu chung và trong trường hợp không được tích luỹ, thì hoa lợi, lợi tức đó được phân bổ cho các chủ sở hữu theo tỷ lệ phần quyền của mỗi người trong khối tài sản chung.
Nguyên tắc tự do hợp tan - Theo BLDS Điều 224 khoản 1, trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia, thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung. Điều luật được áp dụng chung cho sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Sở hữu chung theo phần, trên nguyên tắc, có thể phân chia. Tuy nhiên, ta cũng có một số trường hợp sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia như sở hữu của cộng đồng, sở hữu của hộ gia đình... Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung theo phần không thể phân chia về mặt vật chất, thì việc phân chia vẫn có thể được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng về giá trị. Nếu các chủ sở hữu chung theo phần có thoả thuận về việc duy trì sở hữu chung trong một thời gian hoặc nếu việc phân chia tài sản chung bị cấm thực hiện trong một thời gian theo ý chí của người chuyển giao tài sản cho các chủ sở hữu chung, thì sở hữu chung có thể phân chia sau khi hết thời hạn đó.
Theo BLDS Điều 681 khoản 2, mọi thoả thuận của những người thừa kế đều phải lập thành văn bản. Như vậy, sự thoả thuận giữa những người có quyền sở hữu chung theo phần về việc quản lý một khối di sản chưa chia phải được lập thành văn bản. Các chủ sở hữu chung có thể thoả thuận về việc loại bỏ nguyên tắc nhất trí trong việc quản lý tài sản chung. Các chủ sở hữu chung cũng có thể thoả thuận về việc cử một hoặc nhiều người đứng ra quản lý khối tài sản chung. Quyền hạn của người quản lý có thể được pháp luật xác định một phần, như trong trường hợp quản lý chính thức di sản chưa chia, nhưng thông thường do cộng đồng các chủ sở hữu chung ấn định. Người quản lý được hưởng quy chế của người được uỷ quyền, đặc biệt là được hưởng thù lao do công việc quản lý của mình.
Quyền của chủ sở hữu chung đối với phần tài sản của mình
Định đoạt - Theo BLDS Điều 223 khoản 1, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Một cách tổng quát, chủ sở hữu chung có quyền chuyển giao phần quyền sở hữu của mình trong tài sản chung cho người khác, có hoặc không có đền bù. Việc chuyển giao có thể có đối tượng là một phần hoặc toàn bộ phần quyền sở hữu đó. Nếu chủ sở hữu chung bán phần quyền của mình trong tài sản chung, thì các chủ sở hữu chung khác có quyền ưu tiên mua.
Là một tài sản theo nghĩa đầy đủ, phần quyền sở hữu trong một hoặc một khối tài sản chung có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như bao nhiêu tài sản khác.
Phù hợp với tính đa dạng về sở hữu của nền kinh tế thị trường, BLDS đã đưa ra sự phân loại các loại hình sở hữu và những quy định phù hợp với tính chất đặc thù của mỗi loại sở hữu. Các quy định của BLDS về các hình thức sở hữu và cơ sở xác lập chúng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sở hữu trong các doanh nghiệp liên doanh, công ty, kể cả công ty đối nhân hay công ty đối vốn.
Tổ bộ
môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp
- Nội dung trong bài viết có sử dụng những
kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú
thích rõ trong bài viết).
- Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích
thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp
luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa
Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề
có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên
hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế
- Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected],
hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi
Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Bình luận