Hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn. Bới vì vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền trong đó việc giành chính quyền là vấn đề khó.
Sau khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền thì việc lựa chọn và áp dụng một hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa phù hợp sẽ có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường sức mạnh và phát huy hiệu lực của nhà nước.
1. Khái niệm hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa
Hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn. Bới vì vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền trong đó việc giành chính quyền là vấn đề khó, việc giữ chính quyền, củng cố và phát huy hiệu lực của chính quyền lại là vấn đề khó hơn. Vì vậy, sau khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền thì việc lựa chọn và áp dụng một hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa phù hợp sẽ có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường sức mạnh và phát huy hiệu lực của nhà nước.
Xét theo khái niệm chung, hình thức nhà nước gồm ba yếu tố cấu thành là hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước và chế độ chính trị.
- Hình thức chính thể cách thức tổ chức và trình tự thành lập các cơ quan tối cao của quyền lực nhà nước, xác lập những mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và giữa nhà nước với công dân.
- Hình thức cấu trúc nhà nước là sự cấu tạo nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh thổ, xác lập những mối quan hệ qua lại giữa các cơ quan nhà nước cấp trung ương và giữa trung ương với địa phương.
- Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp và cách thức mà cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước. Ba yếu tố này có liên quan mật thiết với nhau. Khi xem xét hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa phải đề cập cả ba yếu tố, không thể coi nhẹ một yếu tố nào.Các nhà nước xã hội chủ nghĩa có cùng bản chất dân chủ, cho nên về mặt hình thức chúng có nhiều điểm chung giống nhau.
- Về hình thức chính thể, tất cả các nhà nước xã hội chủ nghĩa đều có chính thể cộng hòa dân chủ (mặc dù tên gọi của mỗi nước có thể khác nhau).
- Về hình thức cấu trúc nhà nước, nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể là nhà nước liên bang cũng có thể là nhà nước đơn nhất.
- Chế độ chính trị, các nhà nước xã hội chủ nghĩa đều sử dụng một hệ thống các phương pháp và biện pháp dân chủ thực sự, rộng rãi để tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Mặc dù các nhà nước xã hội chủ nghĩa có cùng một bản chất và có một số đặc điểm chung về hình thức biểu hiện như đã nói ở trên, nhưng trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, cách tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước của mỗi nước lại có những đặc điểm riêng. Chủ nghĩa Mác-Lênin xuất phát từ nguyên lý về mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng đã giải thích và chứng minh tính phong phú và đa dạng của các hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin đã mở rộng khái niệm hình thức nhà nước tới khái niệm hình thức chính trị và khẳng định “bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, cố nhiên không thể không mang lại nhiều hình thức chính trị khác nhau, nhưng thực chất của những hình thức ấy chỉ là một, tức là: Chuyên chính vô sản".
Vì vậy, khi nghiên cứu về hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa, một mặt, không tách các yếu tố của khái niệm hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa nói chung để nghiên cứu riêng, mà phải có quan điểm hệ thống, đặt các yếu tố đó trong sự tác động qua lại lẫn nhau trong một hệ thống nhất, phản ánh bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, không dừng lại ở khái niệm chung và những đặc điểm chung, mà phải mở rộng khái niệm, tìm ra những đặc điểm riêng của mỗi hình thức cụ thể. Ơ đây, khái niệm hình thức nhà nước được hiểu theo nghĩa rộng đồng nghĩa với khái niệm các dạng nhà nước xã hội chủ nghĩa khác nhau. (xem thêm tại:Luật Hành chính Việt Nam)
2. Các hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa
Công xã Pari là hình thức nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên, ra đời trong cuộc khởi nghĩa vũ trang ngày 18/3/1871 của công nhân thủ đô Pari đã chiến thắng quân đội chính phủ Their. Do nhiều nguyên nhân như: chưa có sự lãnh đạo thống nhất của một Đảng Mác - xít, chưa xây dựng được liên minh công nông để biến thành chuyên chính vô sản, chưa thực hiện một số biện pháp kiên quyết về quân sự và kinh tế để tổ chức và giữ vững chính quyền ... cho nên công xã Pari chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (72 ngày). Mặc dù vậy, là một thực tiễn sinh động làm sáng tỏ những quan điểm về Nhà nước và pháp luật của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã xây dựng được "một hình mẫu phác thảo" cho việc tổ chức và xây dựng chính quyền nhà nước vô sản.
Hình thức Công xã Pari có một số đặc điểm sau đây:
- Công xã Pari đã xóa bỏ chế độ đại nghị tư sản, thành lập ra hệ thống cơ quan đại diện mới. Hội đồng công xã Pari là cơ quan quyền lực cao nhất, bao gồm các ủy viên xuất thân chủ yếu từ thành phần công nhân, do nhân dân lao động thủ đô Pari bầu ra theo nguyên tắc phổ thông. Các ủy viên này có thể bị bãi miễn nếu họ không còn uy tín hoặc không còn khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
- Công xã Pari đã thực hiện việc đập tan bộ máy nhà nước cũ để thành lập một bộ máy nhà nước mới của giai cấp công nhân. Sắc lệnh đầu tiên mà Công xã Pari ban hành là Sắc lệnh về xóa bỏ quân đội thường trực, lấy nhân dân vũ trang để thay thế. Công xã Pari đã thực hiện việc giải tán lực lượng cảnh sát để thành lập lực lượng an ninh mới, giải tán các tòa án và viện công tố, thành lập các tòa án và viện công tố mới và thành lập các tòa án đặc biệt ... Đến ngày 19/4/1871 ở Công xã Pari đã có một chính phủ của giai cấp công nhân.
- Lần đầu tiên Công xã Pari đã xóa bỏ nguyên tắc xây đựng bộ máy nhà nước tư sản, xác lập những nguyên tắc mới về tổ chức bộ máy nhà nước của giai cấp công nhân. Tuy nhiên vì các cơ quan nhà nước lúc đó còn đang trong thời kỳ hình thành nên việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan còn chưa hoàn toàn hợp lý, vị trí và vai trò của các cơ quan còn chưa được xác định một cách chính xác và cụ thể.
- Công xã Pari đã xác lập một chế độ dân chủ mới trong đó đã đề ra và thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội như: Xóa bỏ chế độ đặc quyền của các viên chức nhà nước; qui định quyền bầu cử và ứng cử của công nhân vào các cơ quan nhà nước; tổ chức cho công nhân vào các cơ quan nhà nước, tổ chức cho công nhân quản lý các xí nghiệp; thành lập các câu lạc bộ đỏ, thư viện công nhân, vườn trẻ... Đồng thời đã thực hiện một số biện pháp chuyên chính với những thành phần chống đối cách mạng và những phần tử bóc lột như: Thành lập các tòa án đặc biệt để xử bọn phản cách mạng, đóng cửa các báo chí phản động, cấm cúp lương, cấm làm đêm trong các xưởng bánh...
Những đặc điểm trên đây cho thấy Công xã Pari là một hình thức nhà nước vô sản, mặc dù nó còn là một hình thức chưa hoàn chỉnh. Khi tổng kết về kinh nghiệm của công xã Pari, Mác đã viết: "Bí quyết thật sự của nó là ơ chỗ: Về thực chất đó là một chính phủ của giai cấp công nhân là kết quả của cuộc đấu tranh của giai cấp những người sản xuất chống lại giai cấp chiếm đoạt, là hình thức chính trị rốt cuộc đã tìm lại được khiến cho có thể thực hiện việc giải phóng lao động về mặt kinh tế”.
Việc xuất hiện hình thức Công xã Pari có ý nghĩa rất lớn, làm phong phú thêm lý luận Mác-Lênin nói chung và lý luận về nhà nước và pháp luật nói riêng, đặc biệt là để xây dựng một lý thuyết hoàn chỉnh về hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa.
- Hình thức nhà nước Xô viết
Hình thức nhà nước Xô viết là hình thức được sử dụng để tổ chức và thực hiện chính quyền của giai cấp vô sản Nga và các nước cộng hòa khác ở vùng Cáp-ca-zơ, vùng Ban tích, sau này trở thành hình thức của Nhà nước liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Xô viết xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc tổng bãi công của công nhân thành phố Petrôgrát năm 1905 với tư cách là hội đồng đại biểu công nhân, đấu tranh đòi lợi ích kinh tế và chính trị cho giai cấp công nhân. Khi nghiên cứu về phong trào công nhân, V.I.Lênin đã phát hiện ra hình thức Xô viết và coi đó là mầm mống của một hình thức có thể sử dụng để tổ chức nhà nước vô sản ở Nga. Trong cuộc cách mạng tháng 2/1917 bên cạnh Chính phủ lâm thời, chính phủ của giai cấp tư sản Xô viết đại biểu công nhân và binh sĩ với tư cách là một chính phủ đã tồn tại song song bên cạnh chính phủ tạm thời đó. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tiễn của Nga V.I Lênin đã đi tới kết luận rằng, nước cộng hòa xô viết không phải chỉ là hình thức hợp lý nhất mà còn là hình thức duy nhất phù hợp với điều kiện của nước Nga.
Trên thực tế xô viết đã trở thành một hình thức nhà nước độc đáo góp phần tạo ra sức mạnh của nhà nước vô sản ở nước Nga và các nước Cộng hòa khác cũng như của Liên Xô sau này.
Hình thức xô viết có một số đặc điểm đặc thù sau:
- Xô viết xuất hiện trong giai đoạn đầu của cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, khi hệ thống tư bản chủ nghĩa còn mạnh và các nước xã hội chủ nghĩa chưa hình thành. Vì vậy trong việc giành chính quyền và tổ chức chính quyền chủ yếu dùng các phương pháp kiên quyết không hòa hoãn, không nhượng bộ, thể hiện tính giai cấp công khai; có hệ thống cơ quan đại điện phức tạp: các Xô viết từ quận (huyện) trở xuống thực hiện nguyên tắc bầu cử trực tiếp, từ cấp tỉnh trở lên áp dụng hình thức đại hội Xô viết. Đại hội xô viết chỉ có quyền lực trong thời kỳ tiến hành đại hội, khi đại hội chấm dứt thì không có quyền lực nữa.
- Trong hình thức xô viết không có tổ chức mặt trận đoàn kết dân tộc, không có sự thỏa hiệp giữa các đảng trong việc cử người tham gia vào các cơ quan nhà nước. Hệ thống cơ quan nhà nước được xây dựng dựa trên cơ sở lãnh đạo của một đảng thống nhất (là Đảng Bônsêvich).
- Công khai quy định quyền ưu tiên trong bầu cử các cơ quan đại diện. Chẳng hạn, hiến pháp năm 1918 của nước Nga quy định đối với các thành phố tỷ lệ đại biểu được bầu theo số cử tri là 1/25.000, còn các tỉnh là 1/125.000 cử tri; ở nước cộng hòa Azécbaizan là 1/1.000 và 1/5.000 cử tri.
- Chế độ dân chủ trong nhà nước xô viết thể hiện tính giai cấp công khai và không khoan nhượng. Đối với các phần tử bóc lột không những bị tước đoạt quyền bầu cử mà còn bị hạn chế các quyền chính trị khác như cấm hội họp, cấm tự do báo chí và ngôn luận ... Đồng thời tiến hành nhiều biện pháp kiên quyết trừng trị những phần tử chống lại cách mạng. Ngược lại giai cấp công nhân được quy định một số quyền ưu tiên, đồng thời mở rộng dân chủ đối với những nông dân nghèo và binh sĩ.
Tóm lại, hình thức nhà nước xó viết xuất hiện trong điều kiện lịch sử như trên đã nêu ở trên, các lực lượng đế quốc và phản động trong nước luôn tiện mọi cách để làm suy yếu và bóp chết chính quyền vô sản non trẻ. Vì vậy, trong tổ chức và thực hiện quyền lực, nhà nước xô viết luôn luôn thể hiện công khai tính giai cấp, kiên quyết trừng trị những kẻ chống lại cách mạng.
Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội với sự vận động giáo dục của Đảng cộng sản và giai cấp công nhân cùng với những thành tựu trong tổ chức và xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế và văn hóa, liên minh công nông ngày càng được củng cố và phát triển, các phần tử thuộc giai cấp bóc lột đã bị lật đổ và các phần tử chống cách mạng đã được giác ngộ trở thành những người lao động tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì hình thức xô viết cũng có những thay đổi để phù hợp với tình hình cụ thể của xã hội. Những bước thay đổi quan trọng nhất thể hiện trong Hiến pháp năm 1936 và hiến pháp năm 1977 của Liên Xô và các hiến pháp khác của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Trong giai đoạn hiện nay khi Liên Xô tan rã, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, những nguyên tắc xây dựng nhà nước theo hình thức xô viết bị phá vỡ. Nhà nước xô viết với những đặc điểm đặc thù đó trên thực tế đã không còn nữa, nhưng về mặt lý luận việc nghiên cứu để làm sáng tỏ các vấn đề, so sánh với thực tế để giải đáp những câu hỏi về mặt lý luận vẫn là vấn đề có nhiều ý nghĩa.
- Hình thức nhà nước dân chủ nhân dân:
Hình thức dân chủ nhân dân xuất hiện sau chiến tranh thế giới lần thứ hai trong một số nước ở Châu âu (Anbani, Ba lan, Bungari, Cộng hòa dân chủ Đức, Hungarì, Rumani, Tiệp khắc...) và ở Châu Á (Việt Nam, Triều tiên, Trung Quốc). Hình thức này phù hợp với tình hình cách mạng của các nước sau chiến tranh thế giới thứ hai, vì vậy đã góp phần lăng cường sức mạnh và phát huy hiệu lực của các nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Vào cuối những năm 30, đầu những năm 40, trước tai họa chủ nghĩa phát - xít đã gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Ơ Châu âu trong nhiều nước đã nổi lên phong trào đấu tranh chống phát xít giành độc lập tự do cho dân tộc. Ơ Châu á, nhiều nước trong đó có Việt Nam, Triều tiên, Trung Quốc ... không chịu nổi sự áp bức, bóc lột dã man của bọn thực dân và phong kiến, đã vùng lên đấu tranh để lật đổ ách thống trị của thực dân và phong kiến. Trong các nước ở Châu âu cũng như ở Châu A lúc đó, các tầng lớp và các lực lượng xã hội thuộc nhiều giai cấp khác nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản của mỗi nước, đã tập hợp lại xung quanh mặt trận đoàn kết dân tộc với khẩu hiệu đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Phong trào cách mạng nổi lên mạnh mẽ ở các nước. Mặt trận dân tộc thực sự đã trở thành tổ chức đoàn kết các lực lượng tiến bộ trong xã hội để tiến hành cuộc đấu tranh. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô tiêu diệt bọn phát xít Đức đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng của mỗi nước. Được sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cộng sản cách mạng đã thành công, nhiều nước xã hội chủ nghĩa mới đã ra đời hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Với điều kiện trong nước và thế giới như vậy cần thiết phải có một hình thức nhà nước phù hợp với tình hình mới để tổ chức và phát huy hiệu lực của chính quyền trong mỗi nước. Hình thức nhà nước dân chủ nhân dân đã ra đời với những đặc điểm riêng phù hợp với tình hình lịch sử, đáp ứng được yêu cầu cách mạng trong điều kiện mới.
Hình thức nhà nước dân chủ nhân dân có một số đặc điểm sau đây
- Xuất hiện trong hoàn cảnh quốc tế và trong nước như vậy, cho nên các nhà nước đều có đặc trưng chung là sử dụng kết hợp các phương pháp hòa bình và bạo lực (trừ Việt Nam và Bungari) để giành và tổ chức chính quyền, đều thực hiện bước chuyển tiếp từ cách mạng dân tộc dân chủ sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
- Trong các nước đều tồn tại hình thức tổ chức mặt trận đoàn kết dân tộc (với các tên gọi khác nhau như, mặt trận tổ quốc, mặt trận nhân dân ...) trong đó bao gồm nhiều đảng phái, nhiều lực lượng xã hội khác nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Mặt trận giữ một vai trò quan trọng trong việc tham gia vào thành lập và củng cố bộ máy nhà nước.
- Hình thức nhà nước dân chủ nhân dân có sử dụng một số chế định pháp lý cũ được bổ sung nội dung mới. Đặc biệt ở Việt Nam đặc điểm này có nét rất độc đáo và đã mang lại kết quả đáng kể, phù hợp với điều kiện của đất nước ta ở thời kỳ đầu sau khi cách mạng thành công.
- Nhìn chung trong các nước dân chủ nhân dân đều thực hiện nguyên tắc bầu cử bình đẳng, phổ thông, trực tiếp bỏ phiếu kín. Trong một số nước có quy định ở mức độ hạn chế những người không được tham gia bầu cử. Chẳng hạn, ở Việt Nam quy định những người đi lính Com-măng-đô và những người địa chủ chưa cải tạo không được tham gia bầu cử; ở Rumani có quy định những người chủ có từ mười công nhân trở lên không được tham gia bầu cử.
- Trong nhà nước dân chủ nhân dân có chế độ dân chủ rộng rãi hơn đối với chế độ dân chủ trong hình thức xô viết. Điều đó xuất phát từ đặc điểm thực tiễn của cách mạng là nhiều lực lượng thuộc nhiều giai cấp .khác nhau đã tham gia tích cực vào. phong trào đấu tranh giành chính quyền và tổ chức chính quyền mới. Mặc khác, tình hình đối sánh lực lượng trên trường quốc tế đã thay đổi cho phép các nhà nước dân chủ nhân dân có thể thực hiện nhiều phương pháp và biện pháp dân chủ rộng rãi hơn.
Hình thức nhà nước dân chủ nhân dân đã được áp dụng để tổ chức và thực hiện chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Việc xuất hiện, tồn tại và phát triển của hình thức nhà nước dân chủ nhân dân là một thực tiễn sinh động để khẳng định sự đúng đắn của học thuyết MÁC-LÊNIN về sự phong phú và đa dạng của các hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Trên đây là ba hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa đã được tổng kết về mặt lý luận. Ngoài ra, trong một số nước xã hội chủ nghĩa việc sử dụng hình thức nhà nước có nhiều đặc điểm rất đặc biệt gây ra nhiều tranh luận, trong đó đáng chú ý là nước Cộng hòa Cuba. Hình thức nhà nước Cộng hòa Cuba không có những đặc điểm hoàn toàn giống với hình thức xô viết hay hình thức dân chủ nhân dân, đồng thời lại có những đặc điểm rất riêng, gây ra sự tranh luận về mặt lý luận Nhiều người cho rằng, nước Cộng hòa Cuba là một hình thức độc đáo cần nghiên cứu kỹ, một số người khác lại cho rằng đó là hiện tượng cá biệt chỉ có thể xẩy ra ở Cuba. Trên thực tế, hình thức nhà nước Cuba đã có nhiều biến đổi cơ bản so với thời kỳ mới thành lập nước. Tuy vậy việc nghiên cứu để thấy những đặc điểm độc đáo và bước phát triển của nước Cộng hòa Cuba là cần thiết và có ý nghĩa cần được tiếp tục thực hiện.
3. Mối quan hệ giữa bản chất và hình thức của nhà nước xã hội chủ nghĩa
Nhà nước xã hội chủ nghĩa có bản chất dân chủ, nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Bản chất đó sẽ quyết định nội dung, tính chất và nhũng đặc điểm cơ bản của hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, bản chất của nhà nước có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó mỗi hình thức vừa phản ánh những đặc điểm chung, lại vừa có những đặc điểm riêng. Sự phong phú và đa dạng của nhiều hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ là một yếu tố khách quan. V.I.Lênin viết: "Tất cả các dân tộc sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau, mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của nền chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội".
Mặc dù có nhiều hình thức nhà nước, nhưng bản chất nhà nước là yếu tố quyết định, cho nên những đặc điểm chung và riêng của các hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa không tách biệt với nhau, mà nằm trong một thể thống nhất, tác động qua lại với nhau. Trong quá trình vận động và phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa, các đặc điểm riêng sẽ ngày càng ít đi, còn những đặc điểm chung sẽ ngày càng được thể hiện đầy đủ và thống nhất trong mỗi hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những đặc điểm chung đó thể hiện ở những mặt sau đây:
- Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản, nhân tố quyết định trong việc tổ chức và phát huy hiệu lực của chính quyền, mở rộng dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực tiễn đã cho thấy, khi nào Đảng cộng sản không nắm được quyền lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước thì hoặc là sẽ xuất hiện tình trạng vô chính phủ, hoặc là nhà nước sẽ biến chất, đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
- Trong tổ chức bộ máy nhà nước và thực hiện quyền lực nhà nước phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; không ngừng củng cố khối liên minh của giai cấp công nhân, nông dân và trí thức xã hội chủ nghĩa; bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước dựa trên cơ sở sự phân định thẩm quyền phù hợp giữa các hệ thống cơ quan của bộ máy nhà nước.
- Sử dụng rộng rãi các phương pháp và hình thức dân chủ để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ngày càng nhiều vào các công việc của nhà nước.
- Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa dù được biểu hiện ở dạng nào cũng phải thực hiện theo nguyên tắc này, vì nó bảo đảm cho việc phản ánh đúng đắn bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ dẫn đến hai khuynh hướng: Quan liêu, cửa quyền hoặc tự do vô chính phủ.
Thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta những năm vừa qua đã cho thấy rõ sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, phải tìm ra những phương pháp và hình thức phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt nam; không thể áp dụng một cách máy móc những mô thức và kinh nghiệm của bất cứ nước nào vào Việt Nam. Nhưng đồng thời thực tiễn cũng cho thấy rõ là bất luận trong trường hợp nào, những vấn đề chung mang tính nguyên tắc nói trên của hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng cần phải được quan tâm, giữ vững.
Sự đổ vỡ ở một nước xã hội chủ nghĩa trong những năm gần đây có thể giải thích bằng nhiều nguyên nhân, nhưng có thể thấy rõ một trong những nguyên nhân chính là xa rời những vấn đề chung mang tính nguyên tắc trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước.
Theo quy luật chung, chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển, các nước đi theo con đường phát triển xã hội chủ nghĩa cần phải lựa chọn cho mình một hình thức tổ chức và thực hiện quyền lực hợp lý. Việc vận dụng một cách sáng tạo học thuyết Mác – Lênin về sự phong phú đa dạng của các hình thức phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước sẽ có ý nghĩa lớn trong việc tổ chức và phát huy hiệu quả của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong mỗi nước, đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. (xem thêm:hành chính là gì)
Bài viết được thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, Giảng viên khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Hòa Bình
Xem thêm:
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest quaTổng đài tư vấn pháp luật19006198, E-mail:[email protected],[email protected].
Bình luận