Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp – Biện pháp ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh

Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm do doanh nghiệp dày công nghiên cứu và tạo dựng là cơ sở để ngăn chặn sự xâm phạm sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp khác, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Đặc điểm của bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005, kiểu dáng công nghiệp được hiểu như sau:
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này” (Khoản 13 Điều 4).
Luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Điều kiện để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ:

- Thứ nhất, kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
- Thứ hai, kiểu dáng công nghiệp phải có tính sáng tạo: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
- Thứ ba, kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng áp dụng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loại sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Như vậy, kiểu dáng công nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được cấp văn bằng bảo hộ, cụ thể là bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Văn bằng này có hiệu lực kể từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm. Do đó, thời gian có hiệu lực tối đa của Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là 15 năm kể từ ngày cấp nếu chủ sở hữu thực hiện các thủ tục gia hạn.

Quyền của doanh nghiệp khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:

Khi được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, trong thời gian văn bằng này có hiệu lực, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có các quyền tài sản sau:
- Quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp bao gồm: (i) Sản xuất, nhập khẩu sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; (ii) Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm a khoản này;
- Quyền ngăn cấm, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trừ trường hợp kiểu dáng công nghiệp phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm,…
- Quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm: (i) Chuyển nhượng quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp; (ii) Chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp.


Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Tại sao doanh nghiệp cần bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?

Đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, việc nghiên cứu ra các kiểu dáng sản phẩm bắt mắt, tiện dụng đối với khách hàng phải diễn ra thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, khi sản phẩm do doanh nghiệp mất công nghiên cứu được người tiêu dùng đón nhận, các doanh nghiệp khác có thể sử dụng kiểu dáng đó cho sản phẩm của họ, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, việc tiến hành đăng ký kiểu dáng công nghiệp trở nên cần thiết, đây là phương thức sử dụng pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Khi đăng ký kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp có thể ngăn chặn hoặc cho phép các doanh nghiệp khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp của mình. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ ngăn chặn được rất nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ được công sức nghiên cứu, sáng tạo khi tạo ra kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm.

Ngoài ra, điểm cực kỳ quan trọng của việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là nó biến những tài sản vô hình thành các quyền sở hữu độc quyền. Khi các kiểu dáng sảng tạo có sức hấp dẫn lớn thì với việc được bảo hộ bởi các quyền sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp lúc này sẽ trở thành các quyền tài sản. Doanh nghiệp khi đó có thể bán quyền sở hữu hoặc chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp cho doanh nghiệp khác, từ đó làm tăng thêm thu nhập của mình.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Phòng sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest.