Gần đây mô hình nhượng quyền thương mại (franchise) đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khi lựa chọn khởi nghiệp đã nghĩ đến nhận nhượng quyền thương mại để kinh doanh thay vì tự mình nghĩ và phát triển theo mô hình kinh doanh riêng.
Đặc điểm của nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 284, Luật thương mại năm 2005 như sau:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây: (1) Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; (2) Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.
Dựa trên định nghĩa về nhượng quyền thương mại của Luật thương mại 2005 như trên, ta có thể thấy nhượng quyền thương mại có những đặc điểm như sau:
(i) Đối tượng của nhượng quyền thương mại là quyền thương mại
Quyền thương mại được hiểu là quyền tiến hành kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo cách thức của bên nhượng quyền quy định, cùng với đó là việc được sử dụng nhãn mác, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo…của bên nhượng quyền. Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, nội dung cốt lõi chính là việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được sử dụng quyền thương mại của mình trong kinh doanh.
(ii) Giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền luôn tồn tại một mối quan hệ hỗ trợ mật thiết
Đây là một đặc điểm giúp chúng ta tìm thấy sự khác biệt của nhượng quyền thương mại với các hoạt động thương mại khác. Trong nhượng quyền thương mại luôn tồn tại mối quan hệ hỗ trợ mật thiết giữa Bên nhượng quyền và bên nhận quyền, nếu không có điều đó, thì đã thiếu đi một điều kiện tiên quyết để xác định hoạt động đấy có phải là nhượng quyền thương mại hay không.
Tính mật thiết của mối quan hệ giữa Bên nhượng quyền và bên nhận quyền thể hiện từ ngay sau khi các bên hình thành nên quan hệ nhượng quyền thương mại. Kể từ thời điểm đó, Bên nhượng quyền phải tiến hành việc cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền. Không chỉ vậy, mà cùng với sự lớn mạnh và phát triển theo thời gian của hệ thống, Bên nhượng quyền phải thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên của bên nhận quyền đối với những ứng dụng mới áp dụng chung cho cả hệ thống.
(iii) Luôn có sự kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành công việc của bên nhận quyền
Quyền kiểm soát của bên nhượng quyền đối với việc điều hành hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền được pháp luật đa số các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Theo đó, bên nhượng quyền có thể định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện các quyền thương mại của Bên nhận quyền. Sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đối với Bên nhận quyền như đã nói ở trên sẽ trở nên vô nghĩa và thiếu đi tính thực tế nếu như bên nhượng quyền không có quyền năng kiểm soát hoạt động điều hành kinh doanh của bên nhận quyền. Quyền năng này của bên nhượng quyền đã thực sự tạo nên chất kết dính quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá và dịch vụ.
Những điểm cần lưu ý đối với doanh nghiệp nhượng quyền
Nhượng quyền thương mại có thể giúp cho doanh nghiệp nhượng quyền tạo dựng một hệ thống liên kết mạnh về thương mại và tài chính. Thông qua hệ thống liên kết này, doanh nghiệp có khả năng thu được một nguồn thu tương đối ổn định từ khoản phí nhượng quyền cùng với phần trăm doanh thu hàng năm từ phía các bên nhận nhượng quyền. Đây cũng được coi là một kênh huy động nguồn lực tài chính vô cùng hiệu quả và đáng tin cậy cho doanh nghiệp nhượng quyền trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược đầu tư kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có thể thu được, doanh nghiệp nhượng quyền cũng cần phải nhận thức được những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh thông qua mô hình nhượng quyền thương mại.
Rủi ro thứ nhất là khả năng nhãn hiệu, tên thương mại của doanh nghiệp nhượng quyền bị chính hệ thống các bên nhận nhượng quyền của mình làm tổn hại. Thông thường, các doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại phải tuân thủ một cách hết sức chặt chẽ những tiêu chuẩn bắt buộc về giá cả, chất lượng hàng hoá dịch vụ được cung cấp, quy cách phục vụ và thậm chí cả về quy mô kinh doanh do bên nhượng quyền đặt ra. Tuy nhiên, không phải lúc nào doanh nghiệp nhận nhượng quyền cũng thực hiện đúng những tiêu chuẩn mà bên nhượng quyền đưa ra. Họ vẫn có thể có những thay đổi, cải tiến nhất định trong phong cách phục vụ, thậm chí là tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ … Trong những trường hợp này, nếu doanh nghiệp nhượng quyền không kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của hệ thống các bên nhận nhượng quyền thì rất có thể uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và có thế đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường.
Rủi ro thứ hai là bên nhượng quyền có thể bị chính bên nhận nhượng quyền cạnh tranh trực tiếp. Mô hình nhượng quyền thương mại luôn đi kèm với việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền được quyền sử dụng một số tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền như nhãn hiệu, kiểu dáng hoặc sáng chế. Đây được coi là một trong những điều kiện không thể thiếu để tạo điều kiện cho bên nhận nhượng quyền có thể tạo lập cơ sở kinh doanh. Do đó, khi tiến hành nhượng quyền, doanh nghiệp nhượng quyền cần phải suy xét đến vấn đề chấp nhận trao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp khác, những rủi ro tiềm ẩn sau khi trao quyền sở hữu trí tuệ.
Những điểm cần lưu ý đối với bên nhận nhượng quyền
Lơi ích mà bên nhận nhượng quyền có thể thu được trong việc triển khai kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại thường rất lớn. Thay vì phải tốn công sức vào việc thiết lập một dự án kinh doanh thì doanh nghiệp chỉ việc mua lại công nghệ kinh doanh từ bên giao, tiếp tục ý tưởng đã được thử nghiệm và thực hiện thành công. Đồng thời, bên nhận nhượng quyền có thể tận dụng và phát huy những lợi thế kinh doanh từ thương hiệu, công nghệ sản xuất… đã được bên nhượng quyền tạo lập, hoàn thiện trong nhiều năm để nhanh chóng xâm nhập và tạo dựng chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi có thể khai thác được từ mô hình kinh doanh franchise, doanh nghiệp phía nhận nhượng quyền thương mại cũng buộc phải chịu chấp nhận sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của bên nhượng quyền đối với một số vấn đề trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, việc nhập khẩu nguyên liệu… Ngoài ra, bên nhượng quyền thường bảo lưu quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên nhận nhượng quyền ngay lập tức chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh dưới nhãn hiệu hoặc mô hình kinh doanh đã được nhượng quyền trước đó nếu bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được một số điều kiện nhất định do bên nhượng quyền đưa ra. Trong trường hợp này, rủi ro mà doanh nghiệp nhận nhượng quyền có thể rất lớn, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng hoá hoặc các đơn đặt hàng còn đang tồn đọng…
Vì vậy, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, franchise có thể được coi là một trong những lựa chọn hàng đầu để có thể đứng vững trong điều kiện thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, trước khi chính thức ký kết hợp đồng để trở thành bên nhận nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét và nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng đối với một số vấn đề và điều khoản quan trọng như: Thế mạnh về thị trường, tài chính và thương hiệu của bên giao tiềm năng, chất lượng đào tạo ban đầu và trong quá trình triển khai mô hình franchise, quy trình kiểm tra, giám sát của bên giao và các quy chuẩn bắt buộc phải tuân thủ, trách nhiệm về các hoạt động quảng cáo và phát triển thương hiệu của bên giao, quyền phân phối sản phẩm, dịch vụ của bên nhận… Ngoài ra để đảm bảo tối đa sự linh hoạt và độc lập trong hoạt động kinh doanh của bên nhận, doanh nghiệp cũng cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hình thức pháp lý của hợp đồng sẽ được ký kết giữa hai bên. Thông thường, trong trường hợp này, các doanh nghiệp nên tìm đến sự hỗ trợ của một bên tư vấn pháp lý độc lập để tránh những bất lợi không đáng có xảy ra.
Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Phòng sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest.
Bình luận