Theo khoản 3 Điều 81 thì con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Hỏi: Tôi và bạn trai tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Chúng tôi chia tay khi con được 8 tháng tuổi. Tôi muốn nuôi con nhưng gia đình anh không đồng ý, ép viết cam kết trao quyền nuôi dưỡng cho họ. Anh ấy hiện đi tù. Tôi nhiều lần đến thăm con nhưng gia đình nhà anh luôn tỏ thái độ khó chịu. Tôi muốn được nuôi dưỡng con thì phải làm thế nào? (Hà Ngân - Hà Nội)
Luật gia Đào Thị Thu Hường - Tổ Tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Nam, nữ “chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng”. Do đó, về mặt pháp luật, bạn và người cha của con bạn không được coi là vợ chồng.
Dù không phải là vợ chồng nhưng “quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định … về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con” theo quy định của Điều 15. Theo đó, “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” (khoản 3 Điều 81).
Như vậy, nếu bạn có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi thì con sẽ được giao cho bạn nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, việc gia đình người cha của con bạn không muốn bạn được chăm sóc, nuôi dưỡng con của mình và ép bạn viết giấy cam kết là trái với quy định của pháp luật bởi các lý do sau:
Thứ nhất, việc “trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên…” là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ (khoản 2 Điều 69). Theo Điều 104, ông bà có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu chưa thành niên khi cháu “không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con”, đồng thời người cháu không có anh chị em nuôi dưỡng nhau.
Thứ hai, cha mẹ chỉ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 85 như sau:
- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Phá tán tài sản của con;
- Có lối sống đồi trụy;
- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Do đó, nếu bạn không thuộc các trường hợp trên thì không ai có quyền hạn chế quyền của bạn đối với con bạn.
Thứ ba, cha của con bạn đang trong tù nên sẽ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Do vậy, nếu bạn không bị hạn chế quyền nuôi con thì đương nhiên bạn sẽ là người được quyền nuôi con. Việc giao cho bạn trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con là phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp gia đình người cha cháu bé ngăn cản bạn đón con về nuôi, bạn có thể khởi kiên ra Tòa án để đề nghị giải quyết.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận