Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ chốt sổ BHXH của người sử dụng lao động đối với người lao động.
Hỏi: Em làm công nhân tại công ty Nhật đến cuối tháng 01/2013 được 04 tháng. Do muốn nghỉ phải làm đơn xin nghỉ trước 01 tháng và hơi rắc rối nên em nghỉ mà không xin phép công ty và do lần đầu đi làm và đóng bảo hiểm xã hội nên em bỏ sổ bảo hiểm ở công ty cũ không có làm thủ tục lấy hồ sơ. Từ tháng 02/2013 đến nay em không đi làm cho công ty nào hết nên không có liên quan đến sổ bảo hiểm. Bây giờ em bắt đầu xin việc ở công ty khác thì em có phải quay về công ty cũ lấy sổ bảo hiểm cũ không? Nếu em không về công ty cũ lấy sổ bảo hiểm cũ thì em có được công ty mới làm lại sổ bảo hiểm mới hay không? (Nguyễn Hữu Học - Quảng Bình)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Phạm Văn Lâm - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ chốt sổ BHXH của người sử dụng lao động đối với người lao động như sau: "1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. 2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. 3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động. 4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán".
Căn cứ vào quy định này thì khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ chốt sổ, trả sổ BHXH. Nếu như bạn không chốt sổ BHXH thì khi đi làm ở công ty mới, bạn sẽ không thể đóng mới cũng như đóng nối tiếp BHXH được. Do đó, nếu như bạn muốn đi làm ở công ty mới mà không tiến hành chốt sổ BHXH ở công ty cũ thì bạn phải làm thủ tục hủy sổ BHXH ở công ty cũ trước khi làm thủ tục đóng BHXH ở công ty mới.
Theo quy định tại Mục 5 Công văn số: 3663/BHXH-THU có quy định về thủ tục hủy sổ BHXH: "5. Trường hợp NLĐ cam kết không thừa nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN thì phải trình bày rõ trong Đơn đề nghị (mẫu D01-TS). Cán bộ xử lý nghiệp vụ khóa dữ liệu quá trình đóng BHXH, BHTN bằng phương án KB, KT và lập biên bản hủy sổ tại mục “Hủy có nhiều sổ”. Đơn đề nghị của NLĐ có phê duyệt của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc Lãnh đạo phòng Thu BHXH Thành phố để thay thế cho sổ thu hồi. Trường hợp đặc biệt phải phục hồi lại quá trình đã khóa phương án KB, KT, thì chỉ được thực hiện khi có sự phê duyệt (nơi đã khóa dữ liệu trước đây) của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc lãnh đạo phòng chức năng của Thành phố và đúng theo quy trình phục hồi số sổ đã hủy".
Sau khi làm thủ tục hủy sổ BHXH thì bạn mới có thể đóng mới tại công ty mà bạn có dự định xin vào làm việc.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận