Tên thương mại được bảo hộ trên cơ sở sử dụng trong hoạt động kinh doanh.
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Thứ nhất, tên thương mại có nghĩa như thế nào?
Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh của mình. Tên gọi của các chủ thể kinh doanh chỉ được coi là tên thương mại và các chủ thể này được hưởng các quyền chủ thể đối với tên thương mại khi đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện bảo hộ cụ thể.
Tên thương mại là phương tiện giao tiếp đầu tiên giữa doanh nghiệp và các chủ thể khác, vì vậy, ngay từ khi thành lập, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc sử dụng và bảo vệ đối tượng này. Tên doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là một cái tên để gọi như tên của cá nhân, tên doanh nghiệp mang ý nghĩa quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.
Do vậy, tên doanh nghiệp phải được lựa chọn rất cẩn thận, việc lựa chọn tên riêng không được rơi vào các trường hợp cấm mà pháp luật quy định. Khi tên doanh nghiệp được đăng ký, tên đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp và thành phần tên riêng là một trong hai yếu tố cấu thành nên tên doanh nghiệp (gồm loại hình doanh nghiệp và tên riêng của doanh nghiệp) trở thành tên thương mại của doanh nghiệp.
Thứ hai, về xác nhập tên thương mại của doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp hoạt động bằng tên doanh nghiệp đã đăng ký để xưng danh thì khi đó thành phần tên riêng của doanh nghiệp được xác lập và trở thành tên thương mại. Tuy nhiên, không phải bất kỳ tên thương mại nào cũng được pháp luật bảo hộ, để được bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ tên thương mại phải đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định. Việc ghi nhận về tên thương mại và điều kiện bảo hộ tên thương mại là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay là phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của quốc gia và hệ thống pháp luật quốc tế.
Thứ ba, quy định của pháp luật về điều kiện xác lập tên thương mại
Tên gọi của các chủ thể kinh doanh chỉ được coi là tên thương mại và các chủ thể này được hưởng các quyền chủ thể đối với tên thương mại của mình khi đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện bảo hộ cụ thể.
- Quy định củaLuật Doanh nghiệp năm 2014:
Điều 42 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về tên gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác là: "(i) Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký. (ii) Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký: 0(-) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký; (-) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký; (-) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký; (-) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó; (-) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”; (-) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký; (-) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự."
- Quy định củaLuật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):
Tên thương mại muốn được bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại các điều 76, 77, 78 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau:
Một là,tên thương mại phải có tính phân biệt, vì không phải bất kỳ tên thương mại nào cũng được pháp luật bảo hộ, để được bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ, nhìn chung, tên thương mại phải có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Sự phân biệt này cần thiết được đặt ra trong cùng một lĩnh vực và khu vực kinh doanh với các yếu tố phân biệt chủ yếu như: Phân biệt về hàng hóa, dịch vụ, hoạt động, cơ sở kinh doanh. Thông qua những yếu tố này, để cá thể hoá chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác. Điều này cũng có thể được hiểu là nếu tên thương mại của hai chủ thể kinh doanh trùng nhau hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn nhưng hai chủ thể kinh doanh trong hai lĩnh vực khác nhau, thuộc hai lãnh thổ khác nhau, thì vẫn được chấp nhận bảo hộ. Cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh là hai điều kiện song song đi đôi với nhau, nếu thiếu một trong hai yếu tố đó, thì tên thương mại sẽ không được bảo hộ.
Hai là, điều kiện bảo hộ này của tên thương mại cũng đơn giản hơn so với nhãn hiệu (theo quy định của pháp luật, một nhãn hiệu muốn được bảo hộ còn phải đáp ứng cả điều kiện: Phải không trùng và không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với các hàng hoá, dịch vụ không trùng và tương tự nếu các nhãn hiệu đó được công nhận là nổi tiếng hay được thừa nhận rộng rãi, được nhiều người biết đến).
Dấu hiệu phân biệt được thể hiện cụ thể như sau:(i)Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi: Nếu tên thương mại chỉ có phần mô tả thì không được bảo hộ, bởi lẽ phần mô tả không có khả năng tạo nên tính phân biệt cho tên thương mại (hai doanh nghiệp có tên thương mại khác nhau có thể có phần mô tả giống nhau), vì vậy, tên thương mại bắt buộc phải chứa thành phần tên riêng để tạo ra sự phân biệt giữa các chủ thể kinh doanh.(ii)Tên thương mại không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng từ trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. (iii)Tên trùng là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ba là, không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Tên thương mại và nhãn hiệu đều có chức năng chỉ dẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ đó của cơ sở sản xuất kinh doanh nào, đều đưa ra một kết quả chung rằng ai là người chịu trách nhiệm về những hàng hóa, dịch vụ đó, bởi vậy, nếu đã có nhãn hiệu thuộc quyền của người khác đã được xác lập trước thời điểm tên thương mại được bắt đầu thì đương nhiên chủ thể kinh doanh sẽ không được sử dụng tên thương mại đó nữa.
Cũng do tên thương mại thường là thành phần tên riêng của tên doanh nghiệp hoặc được sử dụng thường xuyên trong hoạt động kinh doanh của mỗi chủ thể kinh doanh, nên quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực và lãnh thổ kinh doanh, mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tên thương mại đó tại Cục Sở hữu trí tuệ. Điều này khác với việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các chỉ dẫn đầu tư khác như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, những đối tượng này cần phải đăng ký mới được bảo hộ.
Bốn là, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục đăng ký nào. Việc đăng ký tên chủ thể kinh doanh theo quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục đăng ký hoạt động của doanh nghiệp và của các chủ thể kinh doanh khác chỉ có ý nghĩa ghi nhận ý định sử dụng tên gọi của chủ thể đó mà không có ý nghĩa xác lập quyền. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, vì vậy, phải có sự tồn tại của tổ chức, cá nhân mang tên thương mại thì việc sử dụng tên thương mại mới có ý nghĩa về mặt pháp lý. Tuy nhiên, việc có được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không phải là cơ sở pháp lý tuyệt đối để cho rằng quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại đã được xác lập. Để được xác lập, tên thương mại còn phải được sử dụng thông qua các hoạt động kinh doanh. Chủ sở hữu quyền đối với tên thương mại là tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động đăng ký kinh doanh dưới tên thương mại đó. Trường hợp trong cùng một lĩnh vực kinh doanh và trên cùng một địa bàn kinh doanh có nhiều người cùng sử dụng một tên thương mại thì quyền đối với tên thương mại thuộc về người sử dụng đầu tiên.
Về mặt nguyên tắc, quyền đối với tên thương mại mang tính không hạn chế về mặt thời gian. Điều đó có nghĩa là, sau khi đã xác lập quyền đối với tên thương mại, chủ thể kinh doanh có thể sử dụng nó mà không bị bất cứ một hạn chế nào về mặt thời gian, khi mà chủ thể kinh doanh còn tồn tại và tên thương mại còn thể hiện đúng hình thái tổ chức của chủ thể đó. Nếu địa vị pháp lý của chủ thể kinh doanh thay đổi, ví dụ như do kết quả của việc tổ chức lại doanh nghiệp hay thay đổi chủ doanh nghiệp, thì những thay đổi đó cần được đưa vào tên thương mại, đương nhiên quyền đối với tên thương mại sẽ chấm dứt khi chủ thể kinh doanh chấm dứt sự tồn tại của mình.
Bên cạnh việc đưa ra những điều kiện bảo hộ tên thương mại, pháp luật còn quy định những tên gọi không được bảo hộ dưới danh nghĩa là tên thương mại, bao gồm: (i)Tên gọi của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc các chủ thể không liên quan tới hoạt động kinh doanh. Vì bản chất của tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân chỉ dùng trong hoạt động kinh doanh, còn tên gọi của các tổ chức, cá nhân khác không có chức năng hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật cũng như không liên quan đến các hoạt động kinh doanh thì sẽ không được coi là tên thương mại. (ii)Tên gọi nhằm mục đích thực hiện chức năng của tên thương mại nhưng không có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh của các cơ sở kinh doanh trong cùng một lĩnh vực. (iii)Tên thương mại gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã được sử dụng từ trước trên cùng một địa bàn và trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đã được bảo hộ từ trước khi bắt đầu sử dụng tên thương mại đó. Địa bàn kinh doanh được hiểu là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Từ phân tích ở trên cho thấy, tên thương mại được bảo hộ trên cơ sở sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Do đó, về mặt nguyên tắc, trong trường hợp hai doanh nghiệp trùng tên, thì doanh nghiệp nào sử dụng tên đó trước sẽ được công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của tên thương mại đó.
Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, sưu tầm, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận