Các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ và biện pháp tự vệ mà chủ sở hữu cần biết

Luật sư tư vấn về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các biện pháp tự vệ mà chủ sở hữu có thể sử dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ của mình bị người khác xâm phạm.

Đề nghị luật sư tư vấn, những trường hợp nào thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Biện pháp mà chủ sở hữu có thể sử dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Yến Nhi - Lạng Sơn)


Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lê Hồng Sơn - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ) quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý như sau:

- Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: (a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; (b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; (c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; (d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng (khoản 1 Điều 129).


- Hành vi xâm phạm tên thương mại: Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại (khoản 2 Điều 129).


- Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ: (a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; (b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý; (c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó; (d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy (khoản 3 Điều 129).


Thực tế, hiện nay tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ngày càng phổ biến, với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi. Không ít đơn vị đầu tư chất xám để thiết kế, sản xuất và phát triển sản phẩm đã nhanh chóng bị làm giả. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trở thành vấn đề cấp thiết đối với xã hội, tạo áp lực cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.


Việc xâm phạm các dấu hiệu đó khiến cho khách hàng dễ bị nhầm lẫn hàng hóa, dịch vụ giữa các công ty với nhau, đặc biệt là đối với những trường hợp cố tình làm nhái, làm giả gây thiệt hại cho nhà sản xuất sản phẩm là chủ hữu trí tuệ và cả người tiêu dùng. Chính vì vậy, cần có những biện pháp xử lý xâm phạm nhãn hiệu để bảo đảm cạnh tranh công bằng.


Theo các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ, khi phát hiện hành vi có tính chất xâm phạm nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung, các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể thực hiện quyền tự bảo vệ hoặc được phép yêu cầu các cơ quan thực thi xử lý những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng các nhóm biện pháp dân sự, hành chính hoặc biện pháp hình sự, hoặc đưa ra yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi xuất, nhập khẩn hàng hóa xâm phạm quyền.


Khuyến nghị:


  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.