Những người được hưởng di sản thừa kế được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hỏi: Tôi kết hôn với chồng tôi từ năm 1990 và đã có 2 đứa con, các cháu đều đã lớn và đi học. Đến năm 2013 vì có quá nhiều mâu thuẫn và chồng tôi lại có tính lăng nhăng ngoại tình nên tôi quyết định ly thân với chồng tôi từ năm đó. Chúng tôi chỉ ly thân nhưng chưa thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật. Tôi có 2 đứa con thì 1 đứa ở với bố. Đứa thứ 2 ở với tôi. Năm 2014 chồng tôi đã kết hôn với một người phụ nữ khác. Mặc dù chưa ra tòa ly hôn với tôi nhưng chồng tôi đã có giấy đăng ký kết hôn với người phụ nữ kia và có một đứa con. Đề nghị Luật sư tư vấn, khi chồng tôi mất thì người vợ hai kia có được nhận di sản không? (Đỗ Nhật Anh - Hà Nội) Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế của công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:
Liên quan đến trường hợp của anh (chị) chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật để anh (chị) tham khảo, cụ thể như sau:
Điểm c, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định về các hành vi cấm như sau:
"c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;"
Trường hợp của anh (chị) có thể thấy thủ tục đăng ký kết hôn của chồng anh (chị) với người phụ nữ kia bị coi là kết hôn trái pháp luật bởi là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định.
Điều 651, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật, cụ thể: "1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".
Đối chiếu với trường hợp của anh (chị) có thể xác định rằng anh (chị) là vợ hợp pháp nên anh (chị) sẽ là người được hưởng di sản thừa kế của chồng anh (chị). Đồng thời người con riêng của chồng anh (chị) cũng sẽ được hưởng thừa kế vì pháp luật không phân biệt con đẻ, con nuôi, con trong giá thú hay con ngoài giá thú.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận