Điều 27 Luật cư trú năm 2006 quy định: Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm: Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu; Người đã nhập vào sổ hộ khẩu mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
Hỏi: Chồng tôi và vợ cũ đã ly hôn nhưng chưa cắt khẩu của vợ cũ với lý do vợ cũ chưa có nơi nhập khẩu (nhà bố mẹ đẻ của chị ấy ở quê đã bị em trai cắm sổ hộ khẩu nên không có nơi nhập khẩu). Hộ khẩu hiện tại của gia đình chồng đứng tên bố chồng tôi. Chồng tôi muốn tách khẩu của mình ra để nhập khẩu cho tôi nhưng nếu chồng tôi chưa có nhà riêng tại Hà Nội vậy có tách khẩu được không? (Huyền My - Hà Nội) Luật gia Đào Thị Thu Hường - Tổ Tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Trong trường hợp này, nếu chồng của bạn chưa có nhà riêng tại Hà Nội, chồng của bạn vẫn có thể tách hộ khẩu và mang hộ khẩu Hà Nội theo hình thức tách sổ hộ khẩu. Cụ thể, tại Điều 27 Luật cư trú năm 2006 quy định về việc tách hộ khẩu như sau: “Điều 27. Tách sổ hộ khẩu 1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm: a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu; b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản”.
Như vậy, theo quy định này thì chỉ cần chồng bạn có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu là có thể làm thủ tục tách hộ khẩu với hồ sơ bao gồm:
+ Sổ hộ khẩu;
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu);
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu (nếu không giải quyết việc tách sổ, cơ quan có thẩm quyền sẽ có văn bản nêu rõ lý do)
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở đây được xác định như sau:
+ Đối với việc tách hộ khẩu tại thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
+ Đối với việc tách hộ khẩu thuộc tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Khả năng 2: Hộ khẩu cũ của chồng bạn (bố chồng của bạn là chủ hộ) không phải là hộ khẩu ở Hà Nội trong khi đó chồng của bạn đang muốn có hộ khẩu tại Hà Nội mà lại chưa có nhà riêng tại Hà Nội:
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Luật cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013, Điều 19 Luật thủ đô thì để tách khẩu và đăng ký thường trú là hộ khẩu tại Hà Nội trong trường hợp chưa có nhà riêng, người muốn đăng ký hộ khẩu thường trú có thể đăng ký dưới các hình thức như sau:
Đăng ký hộ khẩu theo địa chỉ chỗ ở là nhà ở thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức khác (khoản 1, khoản 3 Điều 20 Luật cư trú). Để đăng ký hộ khẩu theo hình thức này thì phải đảm bảo các điều kiện đó là:
+ Đã có thời gian tạm trú tại địa chỉ đó (có đăng ký tạm trú với cơ quan có thẩm quyền) từ 01 năm trở lên (đối với trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú tại ngoại thành Hà Nội) hoặc từ 03 năm trở lên (đối với trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú tại nội thành Hà Nội);
+ Nhà ở phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;
+ Có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;
+ Có văn bản đồng ý của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà.
Ngoài ra, nếu thời gian tạm trú của chồng bạn chưa đủ theo như quy định trên mà chồng bạn được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn thì cũng có thể đăng ký hộ khẩu thường trú theo địa chỉ chỗ ở là nhà ở thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức khác nếu chỗ ở đảm bảo các điều kiện trên và có văn bản đồng ý của người cho thuê, mượn, cho ở nhờ.
Đăng ký hộ khẩu theo diện nhập vào hộ khẩu của ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột (điểm đ khoản 2 Điều 20 Luật cư trú); Tức là sau khi tách từ hộ khẩu của bố mẹ chồng bạn, chồng bạn sẽ làm thủ tục nhập vào hộ khẩu của một trong số những người thân nêu trên. Nếu đăng ký hộ khẩu thường trú theo hình thức này, sau đó, bạn cũng có thể đăng ký theo hộ khẩu của hộ khẩu chồng với hình thức ở nhờ, ở nhà được cho thuê hoặc cho mượn như trên.
Bên cạnh đó, khi đăng ký hộ khẩu theo diện này, người cho chồng của bạn nhập hộ khẩu cũng phải có văn bản đồng ý cho chồng bạn nhập vào hộ khẩu đó.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, mặc dù chồng bạn chưa có nhà riêng tại Hà Nội nhưng vẫn có thể tách hộ khẩu và đăng ký hộ khẩu thường trú mới tại Hà Nội nếu đảm bảo được các điều kiện theo các trường hợp trên.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận