Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết
Hỏi: Bố và mẹ cháu đã li hôn và bố cháu đã có 2 con riêng, nhưng người vợ sau không có giấy đăng kí kết hôn và hộ khẩu gia đình (vì hộ khẩu cháu giữ, hiện cháu đang ở với mẹ). Sau khi bố cháu mất (năm 2013) toàn bộ giấy tờ nhà tài sản mang tên bố cháu bị người vợ 2 đổi sang tên mình. Bố cháu làm nhà nước nên có tiền bảo hiểm nhưng người vợ 2 làm giấy kết hôn giả và nhận số tiền đó. Bố với mẹ cháu có 3 đứa con chung, và giờ cháu muốn tư vấn là làm cách nào tụi cháu có thể thừa kế tài sản của bố cháu? Mẹ cháu có tìm hiểu tại địa phương nơi bố cháu sống tài sản đứng tên bố cháu khoảng 3 tỉ nhưng hiện tại đã bị đổi sang tên người vợ sau khi bố cháu mất? (Hoàng Nghĩa - Hà Nội)
Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
- Thứ nhất, về quan hệ giữa bố bạn với người “vợ hai”
Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn và người “vợ hai” này không đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Tại điểm c Khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-HĐTP có quy định:
“Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng”
Do vậy, quan hệ giữa bố bạn với người “vợ hai” sẽ không được pháp luật Việt Nam công nhận là vợ chồng.
- Thứ hai, về quyền thừa kế khi bố bạn mất
Chúng tôi không thấy bạn đề cập đến vấn đề khi bố bạn mất có để lại di chúc hay không, do đó, có thể có các trường hợp sau:
+ Trường hợp 1: Bố bạn mất đi có để lại di chúc
Trường hợp này, nếu bố bạn mất có để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo nội dung của di chúc.
+ Trường hợp 2: Bố bạn mất không để lại di chúc
Trường hợp này, khi bố bạn mất mà không để lại di chúc thì di sản thừa kế của bố bạn sẽ được chia theo pháp luật về thừa kế. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định:
“Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, phần tài sản của bố bạn sẽ được chia thành 6 phần, và theo quy định trên thì những người được hưởng thừa kế theo pháp luật bao gồm: mẹ bạn (vợ), 3 người con chung và 2 người con riêng. Người “vợ hai” không được công nhận là vợ chồng nên không được hưởng thừa kế từ bố bạn.
Về toàn bộ tài sản của bố bạn mà người “vợ hai” đang đứng tên. Vì người này không có quan hệ vợ chồng với bố bạn nên sẽ không có quyền gì đối với tài sản của bố bạn, do vậy, gia đình bạn có thể khởi kiện để đòi lại số tài sản đó và yêu cầu chia thừa thừa.
- Thứ ba, về hành vi làm giả giấy kết hôn
Do thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng, nên hành vi làm giả giấy tờ kết hôn này có thể bị xử phạt như sau:
+ Trường hợp 1: Tại Khoản 4 Điều 128 Nghị định 110/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự,... có quy định:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài;
b) Lợi dụng việc kết hôn để hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước hoặc để thực hiện các mục đích trục lợi khác.”
+ Trường hợp 2: Tại Khoản 3 Điều 128 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định:
“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn”
+ Trường hợp 3: Tại Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”
Như vậy, bạn có thể đối chiếu với các quy định trên về hành vi của làm giả giấy tờ trên thực tế của người “vợ hai” và có thể trình báo với cơ quan chính quyền địa phương để được giải quyết.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận