Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Hỏi: Tuy đã hơn 70 tuổi nhưng bà ngoại tôi vẫn còn minh mẫn, sáng suốt. Thế nhưng khả năng đọc và nghe của bà lại rất kém. Nay bà muốn tự mình đi công chứng di chúc và không muốn ai đi theo làm chứng. Không rõ các công chứng viên có chứng nhận di chúc của bà hay không? (Ngọc Vân - Hải Phòng)
Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo Điều 647 Bộ luật dân sự năm 2005 thì người lập di chúc có thể là:
“1. Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý”.
Và tại Điều 8 Luật công chứng năm 2006 cũng có quy định như sau:
1. Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức đó.
2. Người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự, xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó”.
Bà ngoại của bạn vẫn còn minh mẫn, sáng suốt, do đó, bà có quyền yêu cầu công chứng viên tiến hành thủ tục công chứng cho di chúc của mình.
Về thủ tục lập di chúc tại Cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, tại khoản 2 Điều 685 Bộ luật dân sự quy định về trường hợp yêu cầu phải có người làm chứng, cụ thể là :
“ Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng”.
Như vậy, nếu xét thấy khả năng đọc và nghe của bà ngoại bạn không đáp ứng được việc thực hiện thủ tục lập di chúc tại Cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã thì bắt buộc phải có người làm chứng nhằm xác nhận sự chính xác giữa nội dung di chúc theo tuyên bố của người lập di chúc và nội dung di chúc được ghi chép lại sau đó, nếu không có người làm chứng, thủ tục lập di chúc tại Cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã có thể không thực hiện được.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận