Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Hỏi: Bố cháu - chủ cơ sở và thợ bán than A có kí kết hợp đồng lao động, trong đó có 1 số nội dung thỏa thuận như sau: Chủ cơ sở cho thợ than A nợ một khoản tiền nhất định (cụ thể hiện tại là 27 triệu đồng).Nếu thợ than A không làm nữa thì phải trả toàn bộ số nợ trên. Nếu chưa trả được hoặc trả một phần nào đó thì số tiền còn lại phải trả lãi suất 1%/ngày. Trong trường hợp quá 30 ngày không làm nữa, thợ than A phải chịu phạt khoản tiền 50 triệu đồng ngoài khoản nợ tiền than trả cho chủ cơ sở vì làm dây dưa kéo dài thời gian công sức thu hồi nợ của cơ sở. Nay thợ than A không còn bán than cho nhà cháu gần 3 tháng, nhưng cố tình dây dưa không chịu trả tổng số tiền nợ than 27 triệu đồng (có sổ sách chứng minh đầy đủ).1. Hợp đồng lao động ghi lãi suất 1%/ngày như vậy có vi phạm pháp luật không? 2. Khoản tiền phạt 50 triệu đồng do quá hạn phải trả có hợp pháp không? 3. Nếu bây giờ bố cháu muốn khởi kiện thì cơ sở pháp lí như thế nào? (Tùng - Hà Đông)
Luật gia Dương Thị Hải Yến -Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Trong thư bạn có trình bày, bố bạn đã kí kết hợp đồng cho thợ than A nợ số tiền là 27 triệu đồng đến khi nào không làm nữa thì phải trả toàn bộ số tiền trên. Về bản chất hợp đồng giữa bố bạn và thợ than A là hợp đồng vay tài sản(Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.chứ không phải hợp đồng lao động như bạn đã trình bày-điều 471, bộ luật dân sự)Vì vậy sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng vay tài sản để giải quyết như sau:
Thứ nhất, về lãi suất của hợp đồng vay
Điều 476, bộ luật dân sự 2005 quy định về lãi suất đối với hợp đồng vay như sau:"1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ".
Do trong thư bạn không trình bày rõ thời điểm cho vay nên chúng tôi chưa thể tư vấn cụ thể cho bạn được vì lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố có sự thay đổi theo từng thời điểm cụ thể. Nếu như hợp đồng vay được kí kết vào sau năm2010 thì theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2010, lãi suất cơ bản là 9%/ năm.Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận sẽ không được vượt quá: 9% x 150% = 13,5%/ năm.Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 13,5 :12 = 1,125%/tháng. Bố bạn kí hợp đồng cho vay với lãi suất 1%/ngàylà vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ hai, về khoản tiền phạt do chậm trả nợ
Điều 422, bộ luật dân sự 2005 quy định về việc phạt vi phạmhợp đồng như sau:"1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận.3. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm".
Trong trường hợp của gia đình bạn, bố bạn và thợ than A đã thỏa thuận trong hợp đồng vay là ngay sau khi nghỉ việc, thợ than A phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp quá 30 ngày, thợ than A phải chịu phạt khoản tiền 50 triệu đồng. Do vậy, nếu đã quá hạn trả nợ 3 tháng mà thợ than A chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì phải chịu phạt vi phạm 50 triệu đồng như đã thỏa thuận.
Thứ ba, về việc khởi kiện đòi nợ
Tại điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS có quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm”. Ngoài ra, tại Điều 427 BLDS năm 2005 có quy định “ Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm”. Do đó, trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày mà quyền lợi của bạn bị xâm phạm thì bốbạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của mình".
Hồ sơ khởi kiện tại tòa án bao gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu);
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng).
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (bạn phải ghi rõ số lượng bản chính, bản sao)- các tài liệu này bạn phải đảm bảo có tính căn cứ và hợp pháp.
Dựa trên quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì tranh chấp về hợp đồng dân sự trong trường hợp của bạn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện- theo đó, tòa án nhân dân cấp huyện nơi xảy ra việc thực hiện hợp đồng có quyền giải quyết tranh chấp của bạn . Theo quy định tại Điều 166 BLTTDS, bạn có thể nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến tòa án qua bưu điện; ngày khởi kiện sẽ được tính từ ngày bạn nộp đơn tại Tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận