Hợp đồng đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng phải được lập thành văn bản.
Hỏi:Vừa qua tôi có mua một căn hộ chung cư thông qua sàn giao dịch bất động sản. Lúc đến mua, sàn cho tôi xem một cái sơ đồ mặt bằng và căn hộ tôi định mua. Tôi thấy đúng như ý nguyện của tôi là căn có diện tích tạm tính là 55.59m2 và giống mặt bằng sàn đưa cho tôi xem nên tôi đã đồng ý đặt cọc và trong giấy đặt cọc cũng có diện tích là 55.59m2. Sau đó nhân viên sàn dẫn tôi đi đóng tiền chênh và tiền 20% căn hộ thì trong đơn xin mua là diện tích lại là 55.63m2. Vì lúc đó sợ mất tiền (khi đó tôi đang cầm hơn 300 triệu để đi đóng tiền) nên tôi không để ý là sàn đã ghi vào đơn xin mua là diện tích căn hộ là 55.63m2 và đưa cho tôi ký rồi lên nộp tiền 20% cho chủ đầu tư để lấy phiếu thu. Bây giờ tôi mới phát hiện ra là căn 55.63m2 là căn khác với căn diện tích 55.59m2 như trong phiếu đặt cọc căn hộ của sàn.Vậy tôi muốn hỏi luật sư là tôi đã sai hay sàn giao dịch bất động sản đã bán hàng không đúng quy trình là không kèm theo mặt bằng cho khách hàng lúc bán hàng (hiện phiếu đặt cọc tôi vẫn giữ). Và tôi có quyền khiếu nại gì với sàn giao dịch về điều này không? (Hoàng Minh Sơn - Nam Định)
Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật dân sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Căn cứ Điều 358 Bộ luật Dân sự 2005:
“Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản”.
Như vậy, khi bạn giao tiền cho sàn giao dịch bất động sản và ký vào đơn xin mua là lúc giao dịch được hình thành giữa bạn và sàn giao dịch.
Điều 121 Bộ luật dân sự quy định giao dịch dân sự hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định”.
Thứ nhất, bạn và sàn giao dịch có đủ năng lực tham gia giao dịch đặt cọc; giao dịch của hai bên không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Khi ký kết tham gia giao dịch hai bên hoàn toàn tự nguyện, sàn giao dịch cũng đã đưa văn bản đặt cọc để bạn đọc và xem xét về diện tích của căn hộ.
Thứ hai, hình thức của giao dịch đặt cọc là văn bản, việc sàn giao dịch bất động sản không kèm theo mặt bằng cho khách hàng lúc bán hàng không ảnh hưởng tới hiệu lực của của giao dịch giữa bạn và sàn giao dịch.
Mặt khác, giao dịch giữa bạn và sàn giao dịch không thuộc các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu theo Bộ Luật dân sự hiện hành.
Như vậy, giao dịch đặt cọc giữa bạn và sàn giao dịch là hợp pháp, có hiệu lực với các bên liên quan. sàn giao dịch bất động sản không vi phạm pháp luật trong khi thiết lập giao dịch với bạn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại lên sàn giao dịch để thể hiện tất cả ý kiến của mình về việc giao dịch đặt cọc giữa mình và sàn giao dịch.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật dân sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận