Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân,...
Hỏi:Trong trường hợp tài sản (tiền) hình thành trong thời gian hôn nhân, số tiền đó đứng tên vợ và gửi tại ngân hàng. Tuy nhiên tất cả sổ tiết kiệm vợ dấu chồng, không cho chồng biết. Như vậy nếu chồng nộp đơn ly hôn, những tài sản đó có được phân chia hay không. Và có cách gì để phong tỏa các tài khoản đó lại hay không? Liệu tài sản đó có bị tẩu tán (chuyển cho người khác đứng tên) và sẽ xử lý như thế nào? (Minh Huệ - Hà Nội)
Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau.Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung…3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Như vậy, trừ tài sản được tặng cho riêng, thưa kế riêng, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì những tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân sẽ được xác định là tài sản chung vợ chồng.Trong trường hợp của bạn, nếu người vợ không thể chứng minh số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng là tài sản riêng của vợ bạn thì đây sẽ được xác định là tài sản chung. Theo đó khi ly hôn, người chồng có quyền được hưởng 1 nửa số tài sản này.
Về việc ngăn chặn người vợ có thể tẩu tán tài sản khi ly hôn, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi 2011 quy định như sau:Điều 99.Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời“1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự …có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án…”
Điều 102.Các biện pháp khẩn cấp tạm thời“…10. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ…”
Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn (bắt đầu từ thời điểm thụ lý vụ án), nếu thấy có cơ sở cho rằng người vợ sẽ có hành vi tẩu tán tài sản được gửi giữ trong ngân hàng thì người chồng có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 102.Song bạn cần lưu ý, Người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường. (theo quy định tại khoản 1 Điều 101 BLTTDS).Đồng thời người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên sẽ phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Toà án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận