Luật sư tư vấn về việc ly hôn vắng mặt...
Hỏi: Tôi và chồng tôi vừa đăng ký kết hôn được 7 tháng, sau khi sống chung tôi và chồng tôi không tìm được hướng đi chung nên giờ tôi quyết định ly hôn, nhưng chồng tôi không đồng ý. Hiện tại chúng tôi đang ly thân, chúng tôi chưa có con riêng, cũng không có tài sản chung, vậy xin luật sư hướng dẫn tôi làm thủ tục ly hôn như thế nào? Trong trường hợp nếu tôi bỏ đi xa, lúc tòa kêu lên làm thủ tục ly hôn mà tôi không về được thì có được không? Tôi có thể nhờ người đại diện hợp pháp đứng ra ký giấy tờ cho mình được không? (Thùy Trang - Quảng Ninh)
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, về thủ tục ly hôn:
Bạn cần phải chuẩn bị theo hồ sơ gồm:
+ Biên bản hòa giải không thành (áp dụng đối với trường hợp xin ly hôn đơn phương);
+ Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (có Sao y bản chính, của nguyên đơn và bị đơn).
+ Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn.
+ Bản sao giấy khai sinh con (nếu có con).
+ Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
+ Nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh và đã tên trong hộ khẩu.
+ Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn.
Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án (nơi nộp đơn):
+ Thẩm quyền theo chung:
Theo quy định tại điều 33 BLTTDS 2004 sửa đổi bổ sung 2011:
"1. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;c) Tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này”.
Theo đó, Điều 27BLTTDS 2004 sửa đổi bổ sung 2011 quy định những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án như sau:
"1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.5. Tranh chấp về cấp dưỡng.6. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định”.
Do đó, tòa án giải quyết ly hôn cho bạn sẽ là tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc trung ương.
+ Thẩm quyền theo lãnh thổ:
Căn cứ khoản 1 điều 35 BLTTDS, Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:
“a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này”.
Như vậy, trường hợp này bạn nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình tại TAND cấp huyện nơi bạn cư trú, làm việc.
Ngoài ra, căn cứ điểm b) khoản 1 điều 35 BLTTDS sửa đổi bổ sung 2011:
“b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này”.
Do vậy, vợ chồng bạn còn có thể tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng để giải quyết.
Từ đó, thấy rằng để thực hiện thủ tục ly hôn bạn có thể:
+ Gửi hồ sơ ly hôn lên tòa án nhân dân cấp huyện (quận, thị xã,thành phố thuộc tỉnh) để giải quyết (nếu như đây là nơi làm việc và cư trú của bạn). Trường hợp chồng bạn làm việc ở tỉnh khác thì bạn có thể gửi hồ sơ đến Tòa án cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mà chồng bạn đang làm việc.
+ Hoặc vợ chồng bạn thỏa thuận bằng văn bản lựa chọn Tòa án sẽ giải quyết ly hôn, sau khi thỏa thuận được thì gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mà vợ hoặc chồng đang cư trú hoặc làm việc.
Thứ hai, để biết việc bạn vắng mặt khi tòa án giải quyết ly hôn có ảnh hưởng gì hay không? Bạn cần căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi bổ sung 2011:
"1.Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn”.
Điều 202BLTTDS 2004 sửa đổi bổ sung 2011quy định về xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa như sau:
"Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;3. Các trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản 2 Điều199 của Bộ luật này”.
Theo đó, việc bạn vắng mặt tại phiên tòa, thì tòa án sẽ vẫn tiếp tục giải quyết khi: bạn có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc bạn có người đại diện tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, nếu như bạn không có một trong 2 điều kiện trên thì khi vắng mặt lần 1 tòa án sẽ hoãn phiên tòa, vắng lần 2 mà không vì lí do bất khả kháng tòa án đình chỉ giải quyết.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận