-->

Tư vấn thủ tục và chi phí đăng ký sáng chế?

Khi tra cứu các sáng chế đã có ở nước ngoài, bạn có thể tìm thông tin trên nguồn thông tin chính thức của các cơ quan tra cứu được quy định tại Điều 16 Hiệp ước hợp tác PCT như Viện Patent quốc tế, cơ quan tra cứu quốc tế được chỉ định,...

Hỏi: Tôi dự định đăng ký một số sáng chế. Tôi xin hỏi rằng: Tôi đưa các thông tin liên quan về một vấn đề kỹ thuật của sáng chế mới. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi muốn biết các sáng chế hiện có tại Việt Nam hay trên thế giới có không thì tôi cần làm như thế nào? Thủ tục đăng ký theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế PCT là như thế nào? Tổng các loại phí phải nộp ngay khi đăng ký theo PCT là bao nhiêu? (Thy Tây - Đà Lạt)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Tường Vy - Tổ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Về vấn đề tra cứu thông tin các giải pháp sáng chế đã có trước đó, thì Thông tư 01/2007/TT-BKHCN có quy định:"25.5 Đánh giá tính mới theo quy định tại Điều 60 của Luật Sở hữu trí tuệ

a) Nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc

Để đánh giá tính mới của giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn, ít nhất phải tiến hành tra cứu thông tin trong các nguồn bắt buộc sau đây (nhưng không chỉ giới hạn việc tra cứu ở nguồn tối thiểu đó): (i) Tất cả các đơn đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận có cùng chỉ số phân loại với chỉ số phân loại của đối tượng nêu trong đơn đang được thẩm định - tính đến chỉ số phân lớp (chỉ số hạng thứ ba) và có ngày công bố sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định; (ii) Các đơn đăng ký sáng chế hoặc các văn bằng bảo hộ sáng chế do các tổ chức, quốc gia khác công bố, trong vòng 25 năm trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên) được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu sáng chế có tại Cục Sở hữu trí tuệ và các nguồn thông tin khác do Cục Sở hữu trí tuệ quy định, với phạm vi tra cứu quy định tại điểm 25.5.a (i) trên đây.

Trong trường hợp cần thiết và có thể, việc tra cứu được mở rộng đến các báo cáo khoa học, báo cáo kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu và các tài liệu khác thuộc cùng lĩnh vực kỹ thuật được công bố và lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia".

Theo đó, bạn có thể tra cứu các sáng chế có bản chất kỹ thuật gần giống nhất tại trang website của Cục Sở hữu trí tuệ và của Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia để biết thêm thông tin chi tiết.

Khi tra cứu các sáng chế đã có ở nước ngoài, bạn có thể tìm thông tin trên nguồn thông tin chính thức của các cơ quan tra cứu được quy định tại Điều 16 Hiệp ước hợp tác PCT như Viện Patent quốc tế, cơ quan tra cứu quốc tế được chỉ định,...

Về vấn đề chuẩn bị hồ sơ để đăng ký sáng chế tại Việt Nam, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định:

"Điều 100. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây: a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định; b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này; c) Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện; d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác; đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên; e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

2. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu: a) Giấy uỷ quyền; b) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký; c) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên; d) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

3. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm: a) Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên; b) Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác".

Theo đó, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ thủ tục theo yêu cầu tên để nộp lên Cục sở hữu trí tuệ, ngoài ra bạn có thể tham khảo các yêu cầu cụ thể về các mẫu đơn tại Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

Còn về việc nộp đơn sáng chế theo PCT, Nghị định 103/2006/NĐ-CP có quy định về Đơn PCT như sau:"Điều 11. Đơn quốc tế về sáng chế

1. Trong Điều này, “Đơn PCT” được hiểu là Đơn đăng ký sáng chế nộp theo Hiệp ước PCT, bao gồm: a) Đơn có yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam, được nộp tại bất kỳ nước Thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (sau đây gọi là Đơn PCT có chỉ định hoặc có chọn Việt Nam); b) Đơn được nộp tại Việt Nam, trong đó có yêu cầu bảo hộ tại bất kỳ nước thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (sau đây gọi là Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam).

2. Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp xem xét Đơn PCT có chọn hoặc có chỉ định Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Người nộp đơn tiến hành các thủ tục đăng ký sáng chế tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp của Việt Nam (Giai đoạn quốc gia) theo quy định của Hiệp ước PCT trong thời hạn ba mươi mốt tháng kể từ ngày nộp đơn quốc tế hoặc kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên); b) Nộp phí, lệ phí về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam phải được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nga và phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung quy định tại Hiệp ước PCT. Người nộp đơn có thể nộp đơn cho cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

4. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục xử lý đơn PCT từ các quốc gia khác có chỉ định hoặc có chọn Việt Nam, Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam".

Về các mức thu phí, lệ phí khi nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, Bộ Tài chính có quy định rõ ràng tại Phụ lục biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp tại Thông tư 22/2009/TT-BTC. Trong đó lệ phí nộp đơn là 180.000 đồng, lệ phí công bố đơn là 120.000 đồng, phí thẩm định nội dung là 420.000 đồng, lệ phí cấp bằng là 120.000 đồng, lệ phí đăng bạ là 120.000 đồng, các phí này chưa bao gồm phí dịch vụ. Cũng theo quy định tại Thông tư này, các khoản lệ phí phải được nộp 1 lần khi nộp đơn.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.