Hệ thống đăng ký sáng chế qua PCT, hệ thống đăng ký nhãn hiệu Madrid, hệ thống đăng ký kiểu dáng công nghiệp Hague chính là 3 hệ thống quốc tế quan trọng mà các doanh nghiệp cần nắm vững trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Hiệp ước về hợp tác sáng chế, Patent Cooperation Treaty PCT được ký kết ngày 19/6/1970 tại Washington, USA đã giải quyết tình trạng quá tải của hệ thống đăng ký sáng chế của các quốc gia và khắc phục một số hạn chế của công ước Paris.
Trước đây, cá nhân, tổ chức muốn bảo hộ sáng chế ở nước ngoài cần phải gửi đơn xin bảo hộ trực tiếp đến quốc gia mà họ mong muốn nhận được sự bảo hộ. Công việc này khá tốn nhiều thời gian và chi phí ngay với cả những nhà sáng chế, các tổ chức lớn, cá nhân có tiềm lực kinh tế, tài chính và nhân lực. Kể từ khi PCT ra đời, những khó khăn này đã phần nào được giải quyết. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều nước quyết định tham gia vào Hiệp ước này, trong đó có Việt Nam.
Ưu điểm lớn nhất của hệ thống đăng ký sáng chế PCT là giúp việc đăng ký sáng chế ở nhiều quốc gia trở nên thuận tiện. Việc đăng ký qua PCT giúp đơn giản hoá quá trình đăng ký tại từng nước, nghĩa là đăng ký một đơn PCT có thể chỉ định bảo hộ cho nhiều nước. Tuy nhiên, quyết định có được cấp văn bằng bảo hộ hay không vẫn phụ thuộc vào quá trình xét nghiệm tại từng Cơ quan đăng ký sáng chế của từng quốc gia đồng thời quyền sáng chế được bảo hộ tại từng quốc gia mà sáng chế đó được cấp văn bằng bảo hộ. Hệ thống đăng ký PCT hiện có 152 quốc gia thành viên.
Hệ thống đăng ký qua thoả ước Madrid giúp cho một đơn đăng ký nhãn hiệu có thể chỉ định bảo hộ cho nhiều quốc gia bằng việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia sở tại hoặc vùng lãnh thổ mà tại quốc gia đó là thành viên của Thoả ước Madrid. Việc đăng ký qua thoả ước Madrid cũng giảm bớt quá trình xét nghiệm tại từng quốc gia thành viên mà đơn đăng ký nhãn hiệu đó chỉ định, đồng thời cũng giảm bớt thời gian và thủ tục khi thực hiện các công việc như chuyển nhượng, gia hạn đăng ký nhãn hiệu bằng việc chỉ cần thực hiện một thủ tục theo thoả ước Madrid.
Chỉ cần nộp một đơn và mất một khoản lệ phí, các cá nhân, doanh nghiệp có thể đăng ký nhãn hiệu ở 116 quốc gia.
Thời gian để được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid: 30 ngày để Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam chuyển đơn lên văn phòng Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Quốc Tế (WIPO)
Trong vòng 18 tháng kể từ ngày nộp đơn hợp lệ lên văn phòng Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Quốc Tế, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại các nước đã được chỉ định trong đơn (Trong trường hợp đơn đăng ký không có bất kỳ thiếu sót hoặc bị từ chối bảo hộ).
Được quản lý bởi Văn phòng quốc tế WIPO, Hệ thống đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế Hague cung cấp một cơ chế đăng ký kiểu dáng tại các quốc gia hoặc các tổ chức liên quan chính phủ là thành viên của thỏa ước Hague.
Hệ thống này giúp cho chủ sở hữu của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ ở các quốc gia khác bằng việc nộp một đơn duy nhất tại Văn phòng quốc tế WIPO, bằng một ngôn ngữ duy nhất, với một mức phí duy nhất. Việc đăng ký kiểu dáng quốc tế có chỉ định tại từng quốc gia cũng có giá trị như đăng ký tại từng quốc gia riêng lẻ, trừ khi việc bảo hộ bị từ chối bởi cơ quan sở hữu trí tuệ của những quốc gia này.
Hệ thống Hague cung cấp giải pháp kinh doanh thực tiễn cho việc đăng ký lên đến 100 kiểu dáng trên 66 vùng lãnh thổ qua việc nộp chỉ một đơn quốc tế.
Như vậy có thể thấy hệ thống Hague tạo ra sự đơn giản hóa, giảm bớt thời gian và thủ tục trong việc quản lý việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp, vì nó có thể cùng một lúc thay đổi và gia hạn việc đăng ký thông qua một thủ tục duy nhất với Văn phòng quốc tế WIPO.
Luật gia Lê Hồng Sơn - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài 1900 6198, tổng hợp
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198,hoặc E-mail: [email protected], [email protected].
- Nội dung tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận