Công ty Luật TNHH Everest tư vấn các thủ tục cần làm để được hưởng chế độ thai sản.
Hỏi: Chế độ nghỉ thai sản đối với công chức là như thế nào? Ngày dự sinh của tôi là 18 tháng 2 năm 2017, vậy tôi cần làm những thủ tục gì trước sinh hoặc sau sinh để được hưởng chế độ thai sản? Trong thời gian nghỉ thai sản tôi có được hưởng lương từ người sử dụng lao động không? Và chế độ hưởng thai sản đối với tôi là bao nhiêu? Tôi tham gia bảo hiểm xã hội tính đến lúc sinh là 32 tháng. (Thanh Loan - Hải Phòng)Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều kiện được hưởng chế độ thai sản:
Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định, lao động nữ đang mang thai đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
Bạn đã tham gia đóng bảo hiểm được 32 tháng trước khi sinh, như vậy bạn đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Chế độ thai sản:
- Đối với chế độ khi khám thai: trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
- Đối với chế độ khi sinh con:
Điều 157 Bộ luật lao động năm 2012 quy định, lao động nữ được nghỉ hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
- Mức hưởng chế độ thai sản:
Điều 35 Luật bảo hiểm xã hội quy định, trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định của pháp luật, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản từ cơ quan đã đóng bảo hiểm xã hội, mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
- Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi:
Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con bằng 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.
- Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản:
Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con sau khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng, trường hợp này người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động và phải được người sử dụng lao động đồng ý.
Về hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ thai sản:
Lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản có thể nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động để được giải quyết chế độ.
Hồ sơ bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con;
-Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
- Xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện lao động trong trường hợp ngườii lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc xác nhận của người sử dụng lao động đối với lao động nữ là người tàn tật.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận