Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm
Hỏi: Công ty em có ký kết hợp đồng bán hàng với 1 tập đoàn, Trong điều khoản phạt có ghi là phạt 10% giá trị hợp đồng cho thời gian chậm giao hàng 1 tuần. Trong quá trình nhập hàng trục trặc bên em giao hàng chậm 30 ngày vậy ở đây nếu tính phạt 10% trên 1 tuần giao hàng chậm thì chi phí phạt quá nhiều. Vậy bây giờ có phương án nào giải quyết để bên em giảm được chi phí phạt hợp đồng này không? (Hổ Phách - Hậu Giang)
Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật hành chính Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 về mức phạt vi phạm như sau:
"Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này".
Điều 266 LTM năm 2005 là trường hợp phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết quả giám định sai.
Trong trường hợp của bạn, thỏa thuận giữa công ty bạn và bên đối tác là phạt 10% giá trị hợp đồng cho thời gian chậm giao hàng 1 tuần. Trên thực tế, bên bạn giao hàng chậm 30 ngày, nên so với mức phạt 10% cho thời gian giao hàng chậm 1 tuần thì công ty bạn phải chịu mức phạt khoảng 40% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, đối chiếu với quy đinh cứng của LTM nêu trên, thỏa thuận giữa công ty bạn và bên đối tác đã vi phạm quy định của pháp luật về mức phạt vi phạm hợp đồng. Do đó, thỏa thỏa thuận sẽ không được pháp luật thừa nhận, mà mức phạt cao nhất được áp dụng là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Do bạn không nói rõ việc vi phạm hợp đồng của công ty bạn là như thế nào nên chúng tôi khó có thể tư vấn cho bạn được kỹ hơn, bạn có thể nghiên cứu quy định của pháp luật về các trường hợp miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng:
"1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm".
Bên công ty bạn có thể gặp mặt và trao đổi với bên đối tác về quy định của pháp luật về mức phạt hợp đồng cao nhất và việc bên công ty bạn vi phạm như thế nào để tìm ra tiếng nói chung và phương án phạt vi phạm phù hợp nhất.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận