Luật sư tư vấn về hướng giải quyết của tranh chấp hợp đồng mua bán dây chuyền sản xuất.
[?] Tháng 1 công ty A bán cho công ty cổ phần B một dây chuyền sản xuất trị giá 1,8 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận dây chuyền bảo hành trong 12 tháng. Ngày 21/7 dây chuyền bị trục trặc không hoạt động được, B lập tức gửi công văn yêu cầu A cử chuyên viên sang sửa chữa khắc phục sự cố. A nhận được công văn ngày 22/7 nhưng đến ngày 10/8 A vẫn không trả lời và không cử chuyên viên sang sửa chữa. Do vậy B lập biên bản về sự cố và thuê người sửa chữa với chi phí là 47 triệu đồng. Ngày 15/8 B gửi công văn yêu cầu A thanh toán 47 triệu và đòi bồi thường thiệt hại do ngưng sản xuất là 162 triệu đồng. Đồng thời phạt vi phạm theo mức các bên đã thỏa thuận. A thoái thác không thực hiện yêu cầu trên, B khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Hỏi: Xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên hay không? Nêu hướng xử lý theo quy định pháp luật về hợp đồng? (Hữu Thọ - Hải Phòng)
Điều 137 Luật Thương mại 2005 quy định: Hình thức giải quyết tranh chấp
"1. Thương lượng giữa các bên.
2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định".
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được quyđịnh tại Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010 như sau:
"1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác".
Theo đó tranh chấp giữa A và B được xác định là tranh chấp thương mại thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là tòa án hoặc trong tài thương mại, nếu hai bên có thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài thì tòa án sẽ không được thụ lý căn cứ vào quy định tại điều 6 Luật trọng tài thương mại 2010:
"Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được".
Nếu hai bên không có thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài thì tòa án sẽ có thểm quyền thụ lý.
Về hướng xử lý theo quy định về hợp đồng
Điều 49 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
"1. Trường hợp hàng hoá mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hoá đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận.
2. Bên bán phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành trong thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép.
3. Bên bán phải chịu các chi phí về việc bảo hành, trừ trường hợp có thoả thuận khác".
Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 quy định về phạt vi phạm như sau:
"Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này".
Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 quy định về mức phạt vi phạm như sau:
"Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này".
Điều 302 Luật Thương mại năm 2005 quy định về bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm".
Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại".
Từ những quy định trên, bạn cần xác định:
- Nếu trong thỏa thuận có thỏa thuận phạt vi phạm thì yêu cầu phạt vi phạm là đúng, tuy nhiên mức phạt không quá 8% theo giá trị hợp đồng
- Bạn cần xác định thời gian chậm đến bảo hành có vi phạm hợp đồng không ? thiệt hại thực thế xảy ra có phải do hành vi vi phạm trực tiếp gây ra không ? Nếu có thì việc yêu cầu bồi thường thiệt hại là hợp lý
- Về yêu cầu thanh toán chi phí. Về vấn đề này, phải dựa theo thỏa thuận của hợp đồng. Vì trong tình huống này, bạn tự sửa không phải do bên bảo hành bảo hành cho bạn. Do đó, việc xác định yêu cầu thanh toán có đúng quy định của pháp luật hay không còn phụ thuộc hành vi của A có vi phạm hợp đồng hay không.
- Giới thiệu về Công ty Luật TNHH Everest
- Dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest
- Hoạt động vì cộng đồng của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật1900 6198, E-mail:[email protected].
Bình luận