Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường.
Hỏi: Một khách hàng thường xuyên của công ty chậm thanh toán tiền dịch vụ 03 tháng. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần có công văn yêu cầu trả tiền, nhưng họ không thực hiện. Trong hợp đồng dịch vụ, chúng tôi có thỏa thuận bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán phải chịu phạt tương ứng với 5% tổng giá trị hợp đồng bị vi phạm và bồi thường thiệt hại. Đề nghị chuyên mục tư vấn, chúng tôi đã có thể áp dụng thỏa thuận phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại này không (Bình Minh, E-mail: binhminh20282@yahoo)
Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là hai trong số các chế tài mà bên bị vi phạm có thể thực hiện đối với bên vi phạm thực hiện hợp đồng, đã được quy định tại Mục 1 Chương VII - Luật Thương mại năm 2005:
Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ giám định chứng thư có quy định riêng về phạt vi phạm: 1- Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định; 2- Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng trực tiếp yêu cầu giám định.
Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của Luật thương mại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây: 1- Có hành vi vi phạm hợp đồng; 2- Có thiệt hại thực tế; 3- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Đối với việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán, thiệt hại thông thường được xác định tương ứng chi phí vốn. Do đó, Luật thương mại quy định: Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận